Phát triển kinh tế số: Thách thức lớn nhất là bảo vệ quyền riêng tư
VOV.VN - Muốn phát triển nền kinh tế số, điều kiện tiên quyết là phải bảo vệ được quyền riêng tư, thông tin cá nhân.
Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh.
Từ 17,7 triệu người sử dụng internet năm 2007 đã tăng lên 64 triệu người tính đến hết năm 2017, xấp xỉ 67% dân số, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng internet đông nhất trên thế giới.
Nền kinh tế số đang có những bước phát triển vượt bậc. (Ảnh: KT). |
Hiện, Việt Nam có 3 hệ thống kinh tế số nổi bật nhất là viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử (TMĐT). Chỉ tính riêng TMĐT, năm 2016 đã đạt mức tổng doanh thu 5 tỷ USD.
Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư. Xu hướng sáp nhập và mua lại (M&A) giữa các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam cũng tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thương vụ.
Thị trường viễn thông và CNTT cũng đã liên tục phát triển. Trong 6 năm trở lại đây, có đến 7% doanh nghiệp mới được thành lập nằm trong 2 lĩnh vực này, góp phần tạo ra hơn 852.000 việc làm cho xã hội.
Cùng với đó, các rủi ro an ninh mạng cũng phát triển nhanh không kém trên tất cả các phương diện từ loại rủi ro mới, số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại. Theo hãng bảo mật Kaskerpy, năm 2017 có 35% người dùng internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê cho thấy trong năm 2017, hơn 10.000 vụ tấn công mạng vào Việt Nam, gây thất thoát khoảng 12.300 tỷ đồng.
Theo đánh giá của chuyên gia cả trong nước và quốc tế, Việt Nam chưa có một chiến lược quốc gia tổng thể và toàn diện về an ninh mạng. Việt Nam có 6 vấn đề cần chú ý khi xây dựng hệ thống chính sách an ninh mạng, trong đó xâm phạm quyền riêng tư; rò rỉ dữ liệu và khai thác trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước phải đối mặt.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật NHQuang và cộng sự khuyến nghị, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu. Hệ thống luật của chúng ta hiện nay đã đầy đủ, không cần thiết phải ban hành thêm các luật mới, tuy nhiên, cần cụ thể hoá các quy định pháp luật hiện hành để thực thi nghiêm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng cần phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật Tiếp cận thông tin.
Ông Triệu Trần Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) cho rằng, xu thế phát triển kinh tế số hiện nay tất yếu dẫn đến việc các chính phủ phải mở cửa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn dữ liệu công khai.
"Thách thức là phải xây dựng hệ thống phân quyền và ghi chép mọi hoạt động truy cập của doanh nghiệp nhằm tránh lộ dữ liệu cá nhân và bí mật quốc gia. Do vậy, cần hoàn thiện khung chính sách và cơ sở kỹ thuật an ninh dữ liệu", ông Triệu Trần Đức lưu ý./.