Phát triển thị trường vốn Việt Nam, gia tăng niềm tin từ tăng cường bảo vệ nhà đầu tư
VOV.VN - Thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là nhận định được các nhà đầu tư quốc tế đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam kỳ họp mới đây.
Tuy nhiên, một số giải pháp cũng được các chuyên gia đề xuất để thúc đẩy tốc độ phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Trong đó, cần chú trọng giải pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, từ đó gia tăng niềm tin đối với thị trường và tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Nhóm Công tác thị trường vốn của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm của thị trường. Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán. Đồng thời, triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…
Ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn nhận định: "Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư, điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường. Cần áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm 93% giao dịch hàng ngày".
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng khuyến nghị, cần đa dạng đối tượng tham gia thị trường vốn, phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.
Phản hồi về đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định: "Bộ Tài chính đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo cho thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán hoạt động công khai minh bạch, tăng cường bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư".
Thị trường vốn Việt Nam được đánh giá là đang có bước phát triển mạnh mẽ và tích cực. Điều quan trọng trong thời gian tới là sự phối hợp chặt chẽ của các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Theo đó, thị trường vốn sẽ phát triển vượt bậc hơn, đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Theo tính toán của nhóm công tác thị trường vốn VBF: Tổng giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt xấp xỉ 340 tỷ USD, tương đương 100% GDP, vượt mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Năm 2021, số tài khoản đầu tư chứng khoán mới tham gia thị trường đã tăng 56%, tương đương với 1,5 triệu cá nhân thực hiện khoản đầu tư đầu tiên trên thị trường (nhà đầu tư F0), nhiều nhà đầu tư đã coi đây là kênh tích lũy tài sản. Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá: mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, nhưng sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được. “Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu chúng ta nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại. Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP. Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hong Kong và Singapore” - ông Dominic Scriven đề xuất./.