Phạt từ 1 – 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận thuế
VOV.VN -Nội dung quy định cụ thể tại Điều 13, Nghị định 127/2013/NĐ-CP
Tại Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP, Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm và làm rõ hình thức xử phạt đối với hành vi trốn thuế gian lận thuế
Cụ thể, phạt tiền đối với tổ chức từ 1-3 lần số tiền thuế trốn, gian lận; mức phạt tiền đối với cá nhân: bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức (từ 0,5-1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận).
Phạt 1 lần số tiền thuế trốn, gian lận trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì đối với tổ chức mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận; đối với cá nhân mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,1 lần nhưng không quá 1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận.
Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc mỗi tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Điều 13 Nghị định 127/2013/NĐ-CP cơ bản kế thừa từ Điều 14 Nghị định 97/2007/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 127 đã sửa đổi, bổ sung một số định danh hành vi vi phạm như sau:
Sửa định danh hành vi “khai sai mã số hàng hoá, thuế suất đối với những mặt hàng đã được xác định mã số hàng hoá, thuế suất ở lần nhập khẩu trước dẫn đến xác định thiếu số thuế phải nộp” thành “khai sai mã số hàng hoá, thuế suất đối với những mặt hàng đã được cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hoá, thuế suất” cho rõ ràng và khắc phục hạn chế của quy định trước đây.
Sửa định danh hành vi “tự ý thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá đã được xác định không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế mà không khai thuế” thành “sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo với cơ quan hải quan” cho phù hợp với quy định tại Điều 21 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; khoản 9 Điều 108 Luật Quản lý thuế và đúng với bản chất của hành vi vi phạm.
Bỏ hành vi “vi phạm quy định về quản lý hàng hoá trong khu phi thuế quan” do quy định này không cụ thể, khó xác định trong thực tế./.