Phí bảo trì đường bộ thu theo tải trọng phương tiện

Thực chất loại phí này đã có từ năm 2001, hiện nay đang được thu qua các trạm thu phí.

Trong chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 15/6, về phí bảo trì đường bộ, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) phản ánh: Qua tiếp xúc, cử tri TP HCM rất bức xúc với Nghị định 18 về thu phí phương tiện xe cơ giới. Các Hiệp hội kinh doanh vận tải cũng cho rằng, nếu thu phí như Nghị định 18 thì sẽ là tận thu và không biết làm ăn thế nào.

Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn: Xin Phó Thủ tướng cho biết, Điều 5, khoản 23 Nghị định 18, cụ thể hóa điều 49, khoản 2 Luật Giao thông đường bộ về Quỹ bảo trì đường bộ. Trong điều 5 qui định 2 khoản: (i), ngân sách phân bố hàng năm, (ii) khoản thu liên quan đường bộ và khoản thu khác theo qui định của pháp luật. Hai nội dung này được qui định rõ tại Điều 5, khoản 2 và 3, nhưng Nghị định lại phê là các loại phương tiện. Điều này có phù hợp pháp lý hay không?

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nghị định 18 của Chính phủ là có cơ sở pháp lý. Điều 5 ghi: nguồn hình thành quỹ: (i) Phí bảo trì đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm xe ô tô, máy kéo, rơ moocs… (ii) Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho quỹ và (iii) các nguồn thu liên quan đến đường bộ và các nguồn thu khác theo qui định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ: Nguồn tài chính quản lý hệ thống quốc lộ  và đường địa phương được bảo đảm từ Quỹ bảo trì đường bộ. Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ nguồn sau: (i) Ngân sách Nhà nước phân bố hàng năm; (ii) các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo qui định của pháp luật; (iii) Chính phủ qui định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.

Trả lời câu hỏi, phí này có phải là một phí đánh vào tài sản không, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Phí này không phải là mới mà đã được qui định tại danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí, lệ phí số 38 ngày 28/8/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hiện nay, phí bảo trì đường bộ đang được thu qua các trạm thu phí theo qui định tại Thông tư số 90 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng phí đường bộ.

Nghị định số 18 tại khoản 1, điều 5 qui định: Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông đường bộ, chỉ là thay đổi phương thức thu, chế độ thu so với hiện hành. Việc thay đổi phương thức, chế độ thu là thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo qui định tại khoản 3, điều 9 Pháp lệnh về phí và lệ phí). Theo đó, Chính phủ có thẩm quyền qui định mức thu, chế độ thu đối với một số phí, lệ phí quan trọng.

Mức phí thu được xác định trên cơ sở tải trọng của phương tiện tác động lên cầu đường, không căn cứ vào giá trị phương tiện. “Do đó, phí bảo trì đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Kết thúc phần trả lời về nội dung này, Phó Thủ tướng khẳng định lại: “Nghị định 18 là đúng pháp luật. Phí này thực ra là có từ 2011 đến nay giờ chuyển lại theo Luật giao thông đường bộ chờ Quốc hội thông qua”.

Tuy nhiên,  ngay sau đó, Đại biểu Trần Du Lịch có ý kiến: “Chính phủ nên tính lại cách thu phí này, dù là hợp lý nhưng lại không hợp tình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên