Phó Thủ tướng: "Tái cơ cấu Vinashin và Vinalines có lợi hơn"
(VOV) -Phá sản thì hàng nghìn gia đình không ổn định cuộc sống. Tái cơ cấu vẫn tốt hơn là cho phá sản.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến trong phiên làm việc chiều nay (14/6) về tái cơ cấu Vinashin và Vinalines, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện tại, Vinashin sau khi thực hiện tái cơ cấu, hoạt động có sự ổn định hơn, quản lý tốt hơn, có điều lệ, có phương án sản xuất kinh doanh. Trong 216 doanh nghiệp không giữ lại đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp, còn gần 29.000 lao động, trên 74% trong số này có việc làm. Trong 3 năm đã đóng bàn giao 170 tàu lớn, suất khẩu 66 tàu lớn với giá trị 1.215 triệu USD.
Về tái cơ cấu lại nợ, 19 ngân hàng đã giảm nợ cho Vinashin đến 75% trong số nợ 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện tại, Vinashin vẫn lỗ nặng, quá trình tái cơ cấu vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. Thực hiện tái cơ cấu Vinashin một cách cơ bản, toàn diện, quyết liệt giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản, kết hợp vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Với phương án tái cơ cấu đã trình lên sẽ còn 8 DN hoạt động, chọn 8.000 lao động giỏi, có tay nghề cao. Còn 216 doanh nghiệp không giữ sẽ bán cổ phần 126 doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu sẽ cho phá sản. Phấn đấu đến 2015 xong việc chuyển nhượng những doanh nghiệp nhỏ lẻ này. Đàm phán tài chính đến năm 2022 mới bắt đầu trả nợ và nếu thế thì đến 2016 thu cao hơn chi.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Nếu tái cơ cấu trở lại được thì chúng ta sẽ có 1 ngành công nghiệp với nhiều triển vọng mới, cấu trúc lại sở hữu với mô hình, thị trường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng hóa cạnh tranh. Và đặc biệt là giữ được đội ngũ công nhân lành nghề. Với một chiếc lược phát triển biển, thế mạnh biển không thể không có ngành đóng tàu”.
Cũng có ý kiến cho rằng, Vinashin khó khăn thì sao không phá sản, thay vì tái cơ cấu. Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu cho phá sản thì Nhà nước cũng phải trả nợ thay cho Vinashin vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là hàng nghìn gia đình không ổn định cuộc sống. Tái cơ cấu vẫn tốt hơn là cho phá sản. Nếu thị trường thế giới phục hồi, phát triển, các tập đoàn kinh tế trong đó có Vinashin sẽ có triển vọng, có tương lai.
Nhìn nhận lại, Phó Thủ tướng cho rằng: Vinashin bị đổ bể do nhiều phương diện về sản xuất, kinh doanh, việc làm… Nguyên nhân chủ quan có việc quản trị tập đoàn lỏng lẻo, gây thất thoát. Nhà nước giao vốn, giao tiền, DN mở rộng khắp nơi, không quản lý. Thứ hai là khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, trong nước ảnh hưởng trực tiếp nhất đến vận tải biển.
Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, bắt tạm giam Phạm Thanh Bình và 8 cán bộ có liên quan. Đã khởi tố bắt giam 8 cán bộ trong tập đoàn vinashin, 5 tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ninh, Nam Định, khởi tố 18 bị can và đang trong quá trình tố tụng. “Có thể nói, pháp luật đã xử lý nghiêm khắc những cán bộ trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Vinashin gây thất thoát, lãng phí” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Đối với Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết, DN đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ và có xu hướng phục hồi nhanh hơn. Năm 2012, doanh thu 21.120 tỷ đồng, 2013 đã thoái vốn đầu tư tại16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, đã hoàn thành phương án tái cơ cấu nợ, bán được một số tàu hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại nhân sự. Đặc biệt là đã trình Chính phủ ban hành lại điều lệ hoạt động doanh nghiệp, tiến hành cổ phần hóa một số cảng như Sài Gòn, Cam Ranh… và thoái vốn tại 14 doanh nghiệp.
“Tất nhiên hiện nay Vinalines vẫn còn lỗ nhưng chúng tôi nghĩ rằng DN sẽ vượt qua. Chính phủ, các Bộ ngành trung ương với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị quyết tâm thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn này” – Phó Thủ tướng nói./.