Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải nâng cấp đường sắt 1,0m lên 1,4m
VOV.VN - Sáng 19/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về nhiệm vụ công tác giai đoạn 2016-2020.
Trong 5 năm tới, các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giao thông Vận tải đề ra là: Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (giảm từ 5-10% số vụ, số người bị thương, số người chết) kiểm soát xe quá tải, có các giải pháp chống ùn tắc giao thông ở các đô thị và tiếp tục thực hiện tái cơ cấu vận tải phát triển hài hoà các phương thức vận tải nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng hơn 1500 km đường cao tốc để đạt mục tiêu có gần 2.300 km đường cao tốc vào năm 2020. Cải tạo nâng cấp 3.600 km quốc lộ quan trọng có nhu cầu giao thông lớn.
Về lĩnh vực đường sắt, cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, Trảng Bom - Dĩ An - Hoà Hưng, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên... Về hàng không tiếp tục nâng cấp các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Đối với việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nguồn vốn để xây dựng sẽ sử dụng chủ yếu vốn của các doanh nghiệp hàng không.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: sự tăng trưởng liên tục lượng hành khách đã đặt ra cho ngành hàng không những thách thức về hệ thống hạ tầng cơ sở để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. “Hàng không hiện nay vẫn đang phát triển nóng, năm trước tăng trưởng hơn 25%, năm nay dự báo thì hơn 30%. Tuy rằng tắc nghẽn nhưng vẫn tăng trưởng, tiếp tục tạo sức ép lên hệ thống kết cấu hạ tầng. Tổng công suất thiết kế của 21 cảng hàng không vận chuyển được là hơn 70 triệu lượt hành khách nhưng vận chuyển năm nay dự báo là 77 triệu lượt hành khách tiếp tục tạo ra nút thắt rất lớn như quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng…”
Với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 5 năm tới, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng gần 955.500 tỷ đồng trong đó hơn 600.000 tỷ đồng là vốn từ nguồn ngân sách nhà nước (gồm vốn ODA, vốn từ các nhà tài trợ, vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ).
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả của ngành Giao thông Vận tải đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội trong 5 năm vừa qua, tạo ra các bước đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông, công tác cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của ngành giao thông cần khắc phục đó là: Các đồ án thiết kế kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, công tác kiểm soát trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế, không ít công trình chất lượng thấp, thất thoát lãng phí vẫn là vấn đề bức xúc, hiệu quả đầu tư còn thấp. Việc quản lý công tác đầu tư xây dựng từ lập dự án đến triển khai các bước tiếp theo như thiết kế kỹ thuật rồi thi công xây lắp, đưa vào khai thác sử dụng vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là các công trình BOT. Chưa nói đến việc vốn đầu tư nhiều nhưng thực hiện ít chúng ta chưa kiểm soát chặt chẽ gây ra dư luận bức xúc mà cần được khắc phục.
Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông trong giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: “Đột phá về hạ tầng giao thông đã làm rất tốt nhưng đây chỉ là nền tảng, cơ sở để tiến lên. Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức, hệ thống kết cấu hạ tầng mặc dù đã có bước phát triển nhưng so với yêu cầu phát triển của một đất nước thì còn vô cùng khó khăn. Trong khi đó, chúng ta mới làm được 740 km đường cao tốc mà mục tiêu trong chiến lược phát triển là 2.000 km đường cao tốc. Đường sắt phải được nâng cấp từ khổ 1m lên thành khổ đường 1,4 m, để đường sắt gánh vác bớt cho đường bộ khi rất an toàn và hiệu quả trong vận tải hàng hóa./.”