Phụ nữ Quảng Nam làm chủ nhiều mô hình khởi nghiệp thành công
VOV.VN - Không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên, nhiều mô hình khởi nghiệp còn có sức lan toả mạnh trong phong trào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tại tỉnh Quảng Nam, ngày càng nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, hưởng ứng phong trào phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên, nhiều mô hình khởi nghiệp còn có sức lan toả mạnh trong phong trào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Cơ sở sản xuất bột ngũ cốc của chị Phạm Thị Mỹ ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động là phụ nữ nghèo tại địa phương. Nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch làm từ các loại đậu, hạt đang được người tiêu dùng ưa chuộng, được sự hỗ trợ nguồn vốn vay 150 triệu đồng, chị Phạm Thị Mỹ vay mượn thêm vốn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị để mở cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Duy Oanh. Mỗi năm, cơ sở bột ngũ cốc của chị Mỹ cung ứng ra thị trường 3 tấn sản phẩm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
“Với mục đích liên kết sản xuất trong nông nghiệp tạo ra các sản phẩm từ nông sản của địa phương, HTX được sự hỗ trợ quan tâm của các cấp lãnh đạo nên hoạt động ổn định, tạo điều kiện giúp nhiều phụ nữ khởi nghiệp phát huy được khả năng. HTX mong muốn được các cấp lãnh đạo, Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quan tâm hơn nữa để mở rộng sản xuất”, chị Phạm Thị Mỹ đề đạt.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chị Trần Thị Yến ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên đã về quê nối nghiệp cha quản lý cơ sở nghề dệt lụa truyền thống Mã Châu. Sản phẩm lụa Mã Châu một thời vang bóng có nguy cơ bị mai một. Hiện, cơ sở của chị Yến thu hút 15 lao động làm việc thường xuyên. Mỗi tháng, xưởng dệt cung cấp ra thị trường 3.000 mét lụa, sản phẩm được các thương hiệu thời trang nổi tiếng đặt mua, nhiều thương hiệu đặt hàng theo mẫu mã riêng.
Không dừng lại ở đó, chị Yến còn liên kết với người dân tại địa phương trồng cây dâu để nuôi tằm, bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định. Theo chị Yến, để tạo ra 1 tấm vải lụa theo đúng truyền thống, người thợ cần phải trải qua các công đoạn kỳ công từ khi trồng dâu, nuôi tằm, ngâm ủ tơ, phơi nắng, ủ dầu oliu tăng độ chắc cho tằm… cho đến lúc thành sản phẩm. Sản phẩm ngày càng được thị trường ưa chuộng, mỗi năm doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 1 tỷ đồng.
“Khi bắt đầu khởi nghiệp, cơ sở chủ động vay vốn 500 triệu đồng đầu tư vào dây chuyển sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên. Dự định sẽ phát triển ở giai đoạn 2 “Đề án khởi nghiệp”, tức là xây dựng điểm trải nghiệm gắn với sản xuất làng nghề để đón khách du lịch tham quan”, chị Yến cho hay.
Tại tỉnh Quảng Nam hiện có gần 800 mô hình phụ nữ khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp, 5 năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã tín chấp với ngân hàng và từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ giúp 54.000 hộ phụ nữ vay 2.000 tỷ đồng phát triển sản xuất. Các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ đã đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn tạo ra sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đánh giá, trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hoạt động khởi nghiệp cũng luôn được chị em chú trọng.
“Các chị đã chủ động khai thác nguồn vốn vay trên 2.000 tỷ đồng vốn. Nhờ đó nhiều phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Sự thành công đó chính là minh chứng tạo sự động viên rất lớn cho chị em hội viên mạnh dạn làm theo”, bà Liên tự hào khẳng định.