Phú Quốc - gần 20 năm phát triển từ Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ
VOV.VN - Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178 phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, đề ra 4 mục tiêu phát triển. Sau gần 20 năm tổ chức thực hiện, Phú Quốc từ một hòn đảo hoang sơ đã vươn mình trở thành một trong những điểm tham quan du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ngày mai (31/3), UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức hội nghị tổng kết Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.
Quyết định 178 đặt ra 4 mục tiêu phát triển lớn cho Phú Quốc, đó là: phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế, đóng góp vào phát triển chung của cả nước, tăng cường được an ninh, quốc phòng của đảo Phú Quốc; Hai là xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều du khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước. Ba là đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao, hàng năm thu hút khoảng 2 - 3 triệu lượt khách du lịch. Mục tiêu thứ 4 là đến năm 2010, phấn đấu hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao, hàng năm thu hút khoảng 300.000 - 350.000 khách du lịch, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân đảo Phú Quốc và các đảo nằm trong huyện đảo Phú Quốc.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, sau khi quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Kiên Giang đã tập trung, ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho Phú Quốc, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm… Hàng loạt cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù được ban hành đã giúp Phú Quốc nhanh chóng trở thành vùng đất lành, điểm đến đầu tư hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư lớn tầm cở quốc tế như Vingroup, Sun Group, BIM Group…
“Phú Quốc đã có sự thay da đổi thịt, Phú Quốc đã có sự phát triển ngoạn mục. Ngay từ khi có chủ trương, cơ chế, chính sách, định hướng, mục tiêu và cụ thể là QĐ 178. Sau 20 năm, kinh tế của Phú Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc đặc biệt là về du lịch và dịch vụ”, ông Huỳnh Quang Hưng đánh giá.
Qua gần 20 năm thực hiện đề án, Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò tiên phong, mở đường và định hình hướng phát triển cho đảo ngọc Phú Quốc. Kinh tế Phú Quốc được phát triển theo hướng thương mại dịch vụ, lấy du lịch làm trọng tâm, chủ đạo; ngành nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng đóng vai trò bổ trợ, nâng tầm vị thế ngành dịch vụ, du lịch. Thành phố Phú Quốc đã hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp đa đạng và đã hội tụ được nhiều doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong và ngoài nước.
Từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 chỉ có trên 130.000 lượt khách du lịch thì đến cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần so với năm 2004, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hiện Phú Quốc có hơn 700 cơ sở lưu trú, với gần 30.000 phòng, trong đó số phòng 5 sao chiếm 50%.
Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia, giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng, chi phí vận hành, chi phí sinh hoạt của người dân trên đảo và đây cũng là năm Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên, đưa du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc dễ dàng hơn.
Thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong ngoài và nước, với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình thu hút đầu tư vào Phú Quốc đã có bước phát triển đột phá. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai đầu tư dự án tại Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp được thành lập và số lượng không ngừng tăng. Đến năm 2023, Phú Quốc đã có hơn 4.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đầu tư hơn 142.000 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004.
Thu ngân sách của TP.Phú Quốc năm 2023 đạt hơn 7.800 tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang, tăng hơn 113 lần so với năm 2004. Đóng góp thu ngân sách của Phú Quốc năm 2023 chiếm trên 5% tổng thu ngân sách của vùng ĐBSCL, chiếm 0,35% thu ngân sách của cả nước, đóng góp gần 15% tổng thu ngân sách vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách từ nguồn thu mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh, thu ngân sách Phú Quốc còn tương đương với một vài tỉnh trong cả nước. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, riêng năm 2023 đạt hơn 21.600 tỷ đồng, tăng gần 64 lần với năm 2004...
Nhiều sản phẩm vui chơi, giải trí cao cấp như: hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm, Quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, Khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, Khu vui chơi giải trí Vinwonder, Khu vườn thú bán hoang dã Safari, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay và nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Park Hyatt, Intercontinental, Novotel, Accor, Regen, Movenpick… Phú Quốc được nâng lên đô thị loại II, và trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
“Hiện nay Phú Quốc là một trong những địa bàn đầu tư chiến lược của tập đoàn Sungroup. Tại đây, chúng tôi đã góp một phần phát triển hệ sinh thái với đầy đủ các lĩnh vực như vui chơi gỉai trí, du lịch nghỉ dưỡng cơ sở hạ tầng tạo sức sống mới cho nam đảo Phú Quốc”, ông Bùi Thành Trung, Chủ tịch Tập đoàn SunGroup vùng miền Nam cho biết.
Ngoài phát triển kinh tế, TP.Phú Quốc luôn quan tâm chăm lo cho đời sống người dân trên đảo. Các chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện. Thu nhập bình quân đầu người khá cao, xấp xỉ 5.000 USD/năm, tăng 16,2 lần, tương đương 162% so với giai đoạn năm 2002-2004. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm đầu tư phát triển. Phú Quốc hiện có trung tâm y tế và 9 trạm y tế ở 9 xã, phường đạt chất lượng. Ngoài ra, còn có Bệnh viện quốc tế Vinmec, các phòng khám đa khoa tiêu chuẩn cũng đã có mặt ở Phú Quốc, đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên đảo.
“Sự phát triển của Phú Quốc rất nhanh, rất mạnh. Đến giờ này nhà cửa thì khang trang, đường bê tông hoá vào tận từng gia đình, đường thông thoáng rộng. Trường trạm khang trang, con em đi học được đảm bảo”, ông Trần Văn Thận, người dân ở ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP.Phú Quốc phấn khởi.
Ông Đỗ Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cho rằng, Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò là kim chỉ nam, mở đường và định hình hướng phát triển cho đảo ngọc Phú Quốc. Với các kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như hiện nay, càng cho thấy ý nghĩa, cũng như tầm quan trọng trong việc quan tâm, ban hành các chính sách của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương đối với sự phát triển của Phú Quốc.