Phương tiện giao thông hết niên hạn: Sao cứ phải thu hồi?
VOV.VN - Theo các chuyên gia và người dân, việc thu hồi những xe cũ là cần thiết, nhưng làm như thế nào cho hợp lý là câu chuyện phải bàn.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam năm 2016, tại Hà Nội và TP HCM, xe máy đang là nguồn chính thải ra các chất gây ô nhiễm. Mức độ phơi nhiễm của người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi xe máy, đã vượt giới hạn cho phép 2 - 3 lần.
Từ ngày 1/1/2018, các phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng bao gồm xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô các loại sẽ bị thu hồi. Theo các chuyên gia và người dân, việc thu hồi những xe “hết đát” là cần thiết, nhưng làm như thế nào cho hợp lý là câu chuyện phải bàn.
“Tại sao lại thu hồi tài sản của tôi?”
Về mất sức từ năm 1991, ông Đỗ Thắng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sắm cái xe máy Honda Super Dream đã qua sử dụng để chạy xe ôm. Sau một thời gian xe cũ, khó bắt khách, ông Thắng chuyển sang chở hàng thuê. Chiếc xe của ông được sản xuất từ những năm 90 thế kỷ trước, trông khá cũ kỹ nhưng ông Thắng cho rằng máy vẫn khỏe, vẫn chạy tốt.
“Đây là “chiếc cần câu cơm” của tôi, là tài sản của gia đình tôi chứ có phải là tôi ăn trộm ăn cắp, vi phạm pháp luật đâu mà đòi thu hồi. Kinh tế gia đình khó khăn người ta mới phải sử dụng xe cũ, chứ có điều kiện ai muốn đi cái xe cà tàng này. Vì thế, theo tôi Nhà nước nên tổ chức thu mua những xe cũ nát, hỗ trợ người nghèo ít tiền để họ mua xe máy mới”, ông Thắng nêu ý kiến.
Thu hồi xe cũ cần có cơ chế chính sách đền bù, hỗ trợ cho chủ phương tiện. (Ảnh: Hà Nguyên) |
“Nhiều xe máy không còn ra hình cái xe, đi lượn lách, xả khói vào mặt người khác không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Rồi cả những xe ô tô cũ đi đường xả khói mù mịt khiến nhiều người dù đã bịt khẩu trang vẫn thấy ngạt thở cũng phải thu hồi hết. Nếu không làm quyết liệt, môi trường ngày càng ô nhiễm thì con cháu chúng ta phải chịu hậu quả”, anh Việt tỏ ra ủng hộ chủ trương.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng (quận 1, TP HCM) lại băn khoăn, nếu căn cứ vào niên hạn sản xuất, niên hạn sử dụng của xe mà thu hồi sẽ không ổn. Dù cùng 1 năm sản xuất nhưng xe nào đi ít, chủ lại bảo dưỡng thường xuyên thì dù có sử dụng 20 - 30 năm máy móc vẫn tốt; trong khi đó có những xe suốt ngày chạy ngoài đường chở khách, chở hàng, ít được bảo dưỡng thì chỉ 10 - 15 năm là cũ nát.
“Tuy cùng năm sản xuất nhưng chất lượng các loại xe khác nhau, xe máy đắt tiền máy móc sẽ bền hơn xe rẻ tiền. Với những người chơi xe cổ, có những xe máy sản xuất từ hơn 30 - 40 năm trước hiện nay máy móc vẫn êm ru, chất lượng đảm bảo”, anh Hoàng cho biết.
Cần ban hành quy định kiểm định kỹ thuật
Theo Quyết định số 16 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định, mô tô, xe máy, ô tô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, thu hồi, xử lý từ ngày 1/1/2018. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 50/2013 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ mà theo đó thời điểm thu hồi và xử lý xe mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại được thải bỏ cũng là từ ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể hay có cơ quan nào kiểm định chất lượng mô tô, xe máy. Vì thế, để Quyết định số 16 có thể thực hiện được, trước tiên các cơ quan chức năng cần ban hành quy định kiểm định kỹ thuật mô tô, xe máy.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, xe “quá đát” là xe không đủ điều kiện tham gia giao thông, không phải là hết niên hạn. Phương tiện cũ nhưng đảm bảo an toàn kỹ thuật thì vẫn có thể được vận hành.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trước mắt, Cục Đăng kiểm sẽ công bố dự thảo quy định kiểm soát khí thải xe máy, trong đó có đề xuất sẽ kiểm soát chất lượng xe thông qua kiểm soát khí thải. Theo ông Trí, việc thu hồi các loại phương tiện “quá đát” cần có lộ trình để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Luật sư Vũ Mạnh Hùng, Công ty Luật Hợp danh dân trí Việt, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu căn cứ vào niên hạn sản xuất, niên hạn sử dụng hay số km đã chạy để thu hồi xe cũ nát thì không chính xác, mà nên có những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nên hỗ trợ người dân
Theo Luật sư Vũ Mạnh Hùng, không nên vì mưu sinh của người nghèo mà chấp nhận đánh đổi để mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Quan trọng là Nhà nước phải cân đối hài hòa. Ví dụ, khi thu hồi nên hỗ trợ để người nghèo tiếp tục mưu sinh.
“Tôi không thích dùng từ thu hồi. Thu hồi là vi phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân. Có thể thay từ thu hồi bằng trưng mua. Nhà nước thành lập một cơ quan trưng mua những phương tiện giao thông cũ nát, nhưng cần làm rõ, xe mua rồi thì chứa ở đâu, xử lý thế nào. Cách đơn giản nhất là có quy định cụ thể về kiểm định chất lượng xe. Theo đó, xe nào không đảm bảo thì không được chạy ngoài đường, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, tái phạm thì bị xử lý cao hơn”, Luật sư Vũ Mạnh Hùng lưu ý.
Luật sư Phạm Thành Tài - Văn phòng Luật Phạm Danh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, thu hồi xe cũ phải đưa ra cơ chế chính sách đền bù, bồi thường, hỗ trợ, để chủ phương tiện tự nguyện cho thu hồi tài sản của họ./.
Bất an với hơn 366.000 xe quá niên hạn sử dụng và kiểm định