PVN và các đối tác ký thỏa thuận về giá khí miệng giếng
VOV.VN - PVN, PVEP, MOECO, PTTEP và PVGas vừa ký Thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển.
Ngày 01/09/2017, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO), Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí PTT (PTTEP) đã tổ chức Lễ ký Thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển cho chuỗi Dự án khí Lô B – Ô Môn.
Các bên ký thỏa thuận mua bán khí |
Hợp đồng Chia sản phẩm Dầu khí (“PSC”) Lô B&48/95 được ký kết vào ngày 28/5/1996 và Lô 52/97 vào ngày 19/10/1999.
Báo cáo Trữ lượng (“HCIIP”) cho các cấu tạo Kim Long, Ác Quỷ và Cá Voi đã được Các Bên Nhà thầu hoàn thiện và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tháng 2/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành công trong việc mua lại tài sản của Chevron tại các Lô Hợp đồng này cũng như Dự án đường ống để chính thức trở thành Người điều hành Dự án thượng nguồn và Dự án đường ống.
Dự án khí Lô B – Ô Môn là một trong hai dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay. Tổng mức đầu tư của Dự án thượng nguồn và dự án đường ống khoảng 10 tỷ Đô la Mỹ và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 18 tỷ Đô la Mỹ.
Trong giai đoạn bình ổn, sản lượng khai thác khí hàng năm của Dự án đạt khoảng 5 tỷ mét khối, cung cấp nguồn khí thô quan trọng cho các Hộ tiêu thụ tại Trung tâm điện lực Ô Môn và Trung tâm Khí-Điện-Đạm Cà Mau. Việc phát triển Dự án khí Lô B – Ô Môn sẽ cung cấp nguồn khí quan trọng để ổn định và phát triển khu vực miền Tây Nam Bộ, là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, thêm động lực phát triển kinh tế địa phương và tạo nhiều công việc làm cho khu vực.
Sau một quá trình đàm phán, PVN, PVEP, PV Gas và các Đối tác nước ngoài là MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) đã thống nhất ký Thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển khí về bờ làm tiền đề để các Bên liên quan sớm thống nhất các Thỏa thuận Thương mại cần thiết cho chuỗi Dự án. Việc ký kết Thỏa thuận nói trên có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ để các Bên Nhà thầu ra quyết định đầu tư cuối cùng và đưa chuỗi Dự án vào triển khai với mục tiêu đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2021./.
PVN báo cáo tiến trình xử lý 5 dự án kém hiệu quả
Thoái vốn, cổ phần hóa tại PVN còn nhiều khó khăn
PVN và SCG thúc đẩy tiến độ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam
Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại PVN