Quan hệ kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc: Những con số ấn tượng
VOV.VN - Với hơn 59 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-In, chiều nay (23/3), tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc |
Trải qua một phần tư thế kỷ, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. Trên nền tảng chia sẻ những lợi ích cốt lõi trong hợp tác song phương và đa phương, với tính bổ trợ cao của hai nền kinh tế, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác hợp tác phát triển song phương và du lịch lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Với hơn 59 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam, như công nghiệp điện tử, năng lượng, ô tô, may mặc, xây dựng, dịch vụ..., góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt 64 tỷ USD vào năm 2017 sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực. Hai nước là đối tác thương mại quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Sự phát triển của các hoạt động thương mại song phương đã góp phần tăng cường năng lực xuất khẩu và định hình một số ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Sau hơn 30 năm thực hiện nhất quán chính sách đổi mới, hội nhập quốc tế, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong nhiều năm, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 322 tỷ USD từ 126 đối tác, trong đó có trên 170 tỷ USD đã được đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối... Nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm; đến năm 2020, quy mô GDP đạt 320 - 350 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 đến 3.500 USD, quy mô thương mại đạt 600 tỷ USD.
Về thương mại, với mục tiêu nâng kim ngạch lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam mong muốn thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng. Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng nông thủy sản nhiệt đới, hàng dệt may, đồ gỗ, cao su... tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng linh kiện sản xuất cũng như những mặt hàng thế mạnh khác của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.
Với những kết quả đạt được trong hợp tác kinh tế giữa hai bên, ông Yoon Jong Chang, Viện Kinh tế và Công nghiệp Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tăng trưởng nhanh, để mở được cánh cửa này Việt Nam cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, tập trung chỉ đạo xuất khẩu bên cạnh đó cần đẩy mạnh đội ngũ nhân lực có tay nghề cao.
Đặc biệt, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa mô hình kinh tế tập trung với vai trò chủ đạo là công nghiệp chế tạo mà Việt Nam đã theo đuổi thời gian qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay muốn đẩy nhanh mức tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế tạo nếu vẫn giữ lại mô hình phụ thuộc vào Nhà nước thì sẽ không đủ để phát triển mạnh.
Hiện, hai nước cùng thống nhất đến năm 2020, kim ngạnh thương mại giữa 2 nước sẽ đạt con số 100 tỷ USD. Tuy nhiên, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu đó nếu chỉ dựa vào xuất nhập khẩu của chỉ một bên. Việt Nam và Hàn Quốc cần phải thực hiện được thương mại đối ứng lẫn nhau, nâng cao ưu điểm của doanh nghiệp 2 nước và trở thành những đối tác hợp tác cùng phát triển, chung vai sát cánh đầu tư sang nước thứ 3 mới có thể đạt được mục tiêu đó./.