Quản lý, dự báo kém dẫn đến hàng tồn kho cao
(VOV) - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, chất lượng quy hoạch, dự báo thị trường và quản lý còn nhiều hạn chế.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận được 13 ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho DN, quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân. “Đến giờ này, Bộ Công thương đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau), chất vấn về hàng tồn kho. Đại biểu dẫn chứng: Hàng tồn kho lớn 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300.000 tấn thép, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác. Ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, sụt giảm còn có nhiều nguyên nhân do yếu kém trong khâu qui hoạch và cập nhật, dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm ở mức cao; do tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư, đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại cùng loại. Có thể nói, “thua cuộc chơi ngay trên sân nhà”. Xin hỏi, trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương trong vấn đề này như thế nào và giải pháp đột phá? Thời gian tới, để giải quyết những khó khăn cho DN do hàng tồn kho lớn như hiện nay?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: Tại kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội kết luận hàng tồn kho là vấn đề bức thiết, cần các ngành quan tâm tháo gỡ. Phiên họp thảo luận kinh tế-xã hội 2012-2013, Bộ Công thương cũng đã báo cáo về nội dung này. Trước hết, xin khẳng định, với sự cố gắng của cộng đồng DN, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của các địa phương tình hình giải quyết hàng tồn kho đã chuyển biến. Nếu tính trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/6/12 là 26% đến 1/10/2012 giảm xuống còn 20. Nếu so chỉ số này với chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1/10/2011 và 1/10/2010 thì thời điểm 1/10/2012 thấp hơn.
Hiện nay, tồn kho lớn tập trung VLXD, sắp thép, một số chủng loại phân bón và chừng mực nào đó là than đá. Đối với 5 nhóm hàng hóa này, các bộ, ngành, DN đã tìm hướng xử lý. Về than đá, còn tồn 6 triệu tấn than qui chuẩn (khoảng 19%) theo mức bình thường tồn kho 15% là đảm bảo yêu cầu. Ngành than đã điều chỉnh giá giảm cho một số hộ tiêu thụ, giảm thuế xuất khẩu xuống còn 10% khoảng cuối năm sẽ đưa tồn kho về mức 15%.
Thép tồn kho 190.000 tấn là cao. Về tồn kho thép, Bộ trưởng thừa nhận, do việc kiểm tra kiểm soát trong nước chưa chặt nên công suất dư thừa, thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn.
Giải pháp cho vấn đề này, liên Bộ Công thương-Tài chính tiến hành cấp phép tự động để điều hành linh hoạt, khống chế được lượng nhập khẩu; Đẩy nhanh dự án đầu tư...
Về phân bón, do tính chất thời vụ nên đạm, NPK có tồn kho. Bước vào vụ Đông Xuân việc dư thừa các loại phân bón này không phải lo lắng.
Về vật liệu xây dựng, liên quan đến bất động sản và các công trình xây dựng. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, NHNN tăng cường đẩy nhanh các dự án đầu tư công và tháo gỡ trong bất động sản.
Ngay sau phần trả lời này của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn nhắc nhở: “Câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng là hỏi khác. Đại biểu muốn hỏi nguyên nhân về quy hoạch, dự báo, quản lý Nhà nước về giá thành… làm cho hàng của ta tồn kho. Cái này liên quan đến Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công thương liên quan đến chất lượng hàng hóa. Chất lượng hàng hóa kém làm cho hàng hóa tồn kho chứ không phải vì kinh tế thế giới. Câu hỏi này mới, chất lượng. Lát nữa, Bộ Xây dựng sẽ phải giải trình về bất động sản, và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có giải trình thêm. Mong các Bộ trưởng khi trả lời chú ý đến các vấn đề mới”.
Tiếp thu góp ý của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong phần trả lời của mình đã bám sát nội dung câu hỏi. Bộ trưởng thừa nhận, những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, dự báo. “Đây là điểm yếu trong công tác quản lý Nhà nước và trong công tác kiểm tra xây dựng qui hoạch”.
Vấn đề dự báo, theo Bộ trưởng cũng tương tự, “Công tác dự báo của chúng ta còn có những hạn chế, yếu kém, trong này có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có cảnh báo, khuyến cáo cho các DN nếu thấy tình hình có thể dẫn đến dư thừa sản phẩm, tránh tình trạng cứ sản xuất dẫn đến dư thừa”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, bản thân các DN cũng thiếu chủ động trong xem xét, cân nhắc, phân tích thị trường để điều chỉnh sản xuất. Hạn chế, khuyết điểm này, những tháng vừa qua sau khi được Quốc hội nêu đã được quan tâm hơn và chủ động trong bố trí sản xuất lại/.