Quản lý giá gas và sữa: bất cập và chồng chéo
Bộ Tài chính thì quản lý giá còn phần lưu thông trên thị trường lại do Bô Công thương đảm nhận.
Khi chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1 được Tổng cục thống kê thông báo tăng rất nhẹ làm người dân và cả cơ quan quản lý thở phào nhẹ nhõm. Ấy thế nhưng vài ngày nay, người dân lại lo lắng khi điệp khúc tăng giá lại trở lại đối với một số mặt hàng vốn vẫn là những yếu tố “tiên phong” tăng giá bất hợp lý đó là gas và sữa… Đã có những phản ứng ban đầu của cơ quan chức năng là Bộ Tài chính và Bộ Công thương song tình hình vẫn chưa thực sự ổn. Giống như thuốc chữa bệnh, giá sữa và thuốc liên tục leo lên thang giá mới. Đã từ lâu ai cũng thấy, thuốc chữa bệnh, sữa, gas… vẫn là những mặt hàng khá nhạy cảm và đặc biệt, cần phải được ưu tiên bình ổn, ấy thế nhưng nhiều năm qua, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương gần như “bế tắc” trong bài toán quản lý giá. Người ta đã thấy rõ sự bất cập, thậm chí là chồng chéo trong cách quản lý và điều hành giá như cách nói của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính.
PV: Thưa ông, với sự tăng giá mạnh của gas, của sữa… thì yêu cầu minh bạch cơ cấu giá để xem doanh nghiệp điều chỉnh hợp lý chưa là hoàn toàn chính đáng và cũng là mong mỏi của người tiêu dùng. Nhưng dường như điều này chúng ta chưa làm được?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Thời gian qua, giá gas và giá sữa đều tăng. Riêng giá gas chỉ trong 2 tháng tăng đến 3 lần. Chúng ta đặt giá sữa trong nhóm hàng thuộc diện phải có sự kiểm soát đăng ký giá thì với diễn biến như vậy và cơ quan chức năng cũng đã có phản ứng. Tuy nhiên, chưa đạt được kết quả như chúng ta mong muốn. Đây là vấn đề về câu chuyện quản lý.
Còn đối với giá gas, mặc dù chúng ta chưa đưa vào nhóm cần được kiểm soát, đăng ký giá, tuy nhiên trước diễn biến hiện nay của thị trường thì sữa, gas và một nhóm mặt hàng khác cũng cần sự can thiệp của Nhà nước.
Gas và sữa là mặt hàng có thị trường khá rộng với hàng ngàn hàng vạn đơn vị phân phối, bán lẻ, do đó việc quản lý giá, thị trường các mặt hàng này không hề đơn giản.
PV: Việc minh bạch cơ cấu giá cũng không hề đơn giản, vì các DN cho rằng giá thành và chi phí giá là bí mật kinh doanh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Riêng với gas, phần khá lớn chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài về do đó giá nhập khẩu là công khai, các chi phí liên quan đến nhập khẩu gas chúng ta cũng có thể nắm được và tương đối rõ ràng thông qua đầu mối nhập khẩu gas.
Với nhóm gas sản xuất trong nước chúng ta cũng có thể nắm được các yếu tố này. Do đó, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể nắm được biến động giá liên quan đến các chi phí sản xuất, lưu thông… Ngoài liên quan đến giá thì cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Bộ Công thương với tư cách quản lý các ngành nghề sản xuất liên quan đến thương mại, và Bộ Tài chính liên quan đến các khoản thu ngân sách từ các hoạt động kinh doanh gas sẽ nắm được diễn biến của các chi phí và có thể nhận ra đó là những báo cáo hợp lý hay không. Do đó, chúng tôi cho rằng giải thích như vậy là chưa hợp lý.
Điểm mấu chốt ở đây là tại sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra được biện pháp để ổn định được thị trường gas, sữa, để nó vừa phục vụ mục tiêu đáp ứng được khả năng, trình độ của cơ quan quản lý nhà nước nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng được quy luật vận động của thị trường.
PV: Thưa ông, cách điều hành và quản lý, kiểm tra, giám sát giá cả hiện nay có gì chưa ổn?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Tôi không ít lần đã nói rằng đa số hàng hóa dịch vụ ở Việt Nam chứ không chỉ gas và sữa đang có bất cập trong quản lý giá. Bộ Công thương thì quản lý thị trường và phần giá thì liên quan đến Bộ Tài chính. Trong khi thị trường và giá cả là các bộ phận hữu cơ, liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta lại đưa ra 2 cơ quan quản lý đối với 2 bộ phận quan trọng trên thị trường như vậy thì rõ ràng nếu thiếu sự phối hợp giữa hai bộ thì sẽ tạo rất nhiều bất cập.
Ví dụ, trường hợp giá gas, giá sữa trong thời gian vừa qua là kết quả của sự không thống nhất giữa hai cơ quan. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét đến việc quy trách nhiệm về một đơn vị đầu mối để họ có thể tập trung vào công tác quản lý và họ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối liên quan đến câu chuyện về thị trường, cân đối cung cầu cũng như những biến động về giá cả.
PV: Thưa ông, trong nhiều năm qua, nhiều đầu mối kinh doanh gas hay sữa lớn nhỏ đã quen với việc không đăng ký giá, hoặc là “tiền trảm hậu tấu” nhưng dường như chúng ta không có biện pháp gì để ngăn chặn, ông nghĩ thế nào?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Câu chuyện này chúng ta đang bàn đến trong dự thảo về luật giá. Trong những biện pháp được đưa ra thì có biện pháp đăng ký giá. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia đề nghị là chúng ta nên bỏ biện pháp đăng ký giá, vì biện pháp quản lý này không hiệu quả. Đăng ký giá chỉ mang tính chất là thủ tục hành chính. Thứ hai là các đại lý tham gia lưu thông những sản phẩm như sữa, gas rất nhiều trong khi khả năng, trình độ của cơ quan quản lý không thể tiếp nhận hết các đăng ký giá chứ chưa nói đến đăng ký giá đó là hợp lý hay không. Tôi cho rằng chúng ta cần phải lựa chọn biện pháp khác hiệu quả hơn so với biện pháp như đăng ký giá hay là kê khai giá.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xử phạt thật nặng những vi phạm về giá để các doanh nghiệp, đại lý tuân thủ hơn các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông!/.