Quản lý mã số vùng trồng sầu riêng: DN và người dân chưa có tiếng nói chung
VOV.VN - Tâm lý người trồng sầu riêng ở tỉnh hiện nay còn nhiều lo ngại, không sẵn sàng liên kết với DN xuất khẩu.
Hôm nay (26/10), UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch quản lý giám sát, phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức sau những bất cập, tranh chấp và hoài nghi không trung thực, mà DN xuất khẩu mặt hàng này ở Đăk Lăk vướng phải, những lô sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch.
Theo thông tin hội nghị, đến nay Đăk Lăk đã trồng được hơn 15.200 ha sầu riêng, tăng 13.000 ha so 2015. Sản lượng năm 2022 đạt hơn 150.000 tấn và dự kiến sẽ lên tới 300.000 tấn vào 2025. Về xuất khẩu, năm 2022 là năm đầu tiên sầu riêng Đăk Lăk cũng như cả nước, được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ 99% sản lượng sầu riêng trên thế giới. Trong tổng số 53 vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch, Đăk Lăk có 23 vùng, tổng diện tích 1.450 ha.
Thời gian qua, các DN xuất khẩu rất tích cực trong việc chuẩn bị vùng nguyên liệu, đứng ra làm đại diện xin cấp mã số cho nhiều vùng trồng sầu riêng. Tuy nhiên, do chưa ràng buộc chặt chẽ quyền lợi và trách nhiệm nên đã phát sinh việc nông dân tố DN gian dối.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đăk Lăk cho rằng, các DN cần phải cẩn trọng hơn trong thủ tục ủy quyền làm đại diện mã vùng trồng và trong cam kết tiêu thụ sản phẩm, để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra.
“DN phải được nông dân đồng ý, ủy quyền làm đại diện và phải có văn bản ký tá đàng hoàng. Nếu chỉ là giấy cam kết thu mua sản phẩm, là cam kết với bà con nông dân, không phải cam kết với Cục bảo vệ thực vật, nhưng cam kết đó cũng phải được gửi cho Chi Cục bảo vệ thực vật biết”, ông Thành lưu ý.
Ngoài 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói đã được cấp và được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch, Đăk Lăk có 15 mã số vùng trồng đang chờ duyệt, 35 mã đang thiết lập, tổng diện tích hơn 2.000 ha.
Trao đổi với phóng viên VOV bên lề hội nghị, ông Trần Quốc Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đăk Lăk cho biết, tâm lý người trồng sầu riêng ở tỉnh hiện nay còn nhiều lo ngại, không sẵn sàng liên kết với DN xuất khẩu. Chính vì vậy, việc liên kết, cấp mã, thu mua xuất khẩu, cần làm thật chặt chẽ, tránh những đáng tiếc về sau.
“Người dân hiện đang cương quyết không muốn ký với DN nào vì họ vẫn chưa tin tưởng. Người ân lo ngại sau khi kí kết sẽ có tình trạng bị DN độc tài, o ép về giá hoặc vệ chất lượng cũng như thời gian thu hoạch. Những vướng mắc này rất cần phải có điều khoản thỏa thuận và quy định rõ ai là người làm trọng tài để xử lý các tranh chấp. Mặc dù trong Luật kinh tế, Luật dân sự đã có quy định, nhưng giải quyết những tranh chấp của người dân vẫn rất khó khăn”, ông Toàn cho biết.
Để khắc phục tối đa những vướng mắc trong liên kết phát triển ngành hàng sầu riêng, nâng cao sức cạnh tranh trong xuất khẩu, lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk đề nghị các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng quản lý, phối hợp nhuần nhuyễn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, xúc tiến thành lập hiệp hội sầu riêng để chuyên nghiệp hóa ngành hàng tiềm năng này.
UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra giám sát, phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Theo kế hoạch mới ban hành, 6 Sở, ngành ở tỉnh, các hiệp hội và tổ chức hội, UBND cấp huyện, đại diện các vùng trồng và cơ sở đóng gói, đã được phân công 16 nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với chức năng của mình để xây dựng các vùng trồng sầu riêng bền vững, cấp mã số vùng trồng và giám sát chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sầu riêng trong những niên vụ tới./.