Quản lý ngành than theo thị trường hay kế hoạch hóa tập trung?
Cạnh tranh công bằng sẽ giúp ngành than thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay và tiếp tục phát triển.
Để tồn tại và phát triển bền vững, ngành than cần tập trung siết chặt quản lý, đầu tư theo chiều sâu, xây dựng mỏ mới; nâng cao năng suất, chất lượng; cắt giảm chi phí, cạnh tranh thắng lợi với than ngoại và các đối thủ khác. Cần xác định rõ vai trò của ngành than trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia để hoạt động theo cơ chế nhất quán, nếu đã theo thị trường phải tuân thủ các quy luật thị trường, chỉ định hướng bằng chính sách. Cạnh tranh công bằng sẽ giúp ngành than thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay và tiếp tục phát triển.
Hoạt động bốc xúc đất đá, khai thác than lộ thiên ở tỉnh Quảng Ninh |
Thực trạng đáng buồn
Gần đây, trong dư luận có nhiều luồng thông tin khác nhau về thực trạng ngành than. Trong khi nhu cầu sử dụng than trong nước liên tục tăng và tăng cao trong 1 đến 2 năm gần đây, sản lượng than sản xuất trong nước lại tụt dần sau “đỉnh cao” 45 triệu tấn vào năm 2011 và “giậm chân tại chỗ” ở mức 40 triệu tấn trong mấy năm qua. Sản lượng than thấp, kéo theo suy giảm GDP, làm giảm nhiều việc làm, thu nhập của thợ mỏ, ảnh hưởng sự ổn định kinh tế - xã hội vùng mỏ Quảng Ninh; giảm sự đóng góp của ngành than cho nền kinh tế.
Hiện nay, giá bán than sản xuất trong nước cao hơn giá than nhập khẩu, gây ra một nghịch lý chưa từng có trong lịch sử ngành than. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có hơn 12 triệu tấn than từ In-đô-nê-xi-a, Ô-xtrây-li-a, Nga, Trung Quốc, do 52 công ty đưa về Việt Nam, giá trị kim ngạch khoảng 760 triệu USD; trong khi than sản xuất trong nước tồn trong các kho bãi khoảng 12 triệu tấn.
Đã hết quý I năm nay, nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Một nghịch lý khác, các mỏ than lộ thiên nhiều năm được coi là thế mạnh của ngành than với giá thành thấp hơn nhiều so các mỏ than hầm lò thì hiện nay tình cảnh đã lật ngược. Giá thành một tấn than lộ thiên năm 2016 lên đến 1,5 đến 1,7 triệu đồng, trong khi than hầm lò chỉ khoảng 1,1 đến 1,3 triệu đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn nêu trên của ngành than, trong đó, có cả lỗi chủ quan của ngành than và khách quan từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngành than hiện nay gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc. Trong một thời gian dài, ngành than đã thiếu kiểm soát chặt chẽ trong quản lý chi phí, bao gồm cả đầu vào, đầu ra và quá trình sản xuất sản phẩm. Đầu vào bị đội giá do nạn ăn bớt, ăn cắp, do “gửi giá, lại quả”, do đánh tráo chất lượng,... thông qua các hợp đồng mua bán trực tiếp và cả đấu thầu.
Trong quá trình sản xuất, vấn đề lớn nhất là nạn ăn cắp than, không chỉ ban đêm mà diễn ra cả ban ngày với lực lượng rất mạnh. Nhiên liệu, vật tư, phụ tùng cũng bị lấy cắp. Nạn khai khống khối lượng bóc đất, vận tải mỏ xảy ra khá nghiêm trọng ở một số nơi. Nhiều chuyện tiêu cực đã bị phanh phui và được xử lý trong nội bộ hoặc trước cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong quá trình tiêu thụ, than cũng bị đánh cắp, hao hụt vượt định mức; cước vận tải bị khai tăng,...
Mặc dù thiết bị đã được đầu tư khá hiện đại cả sản xuất lộ thiên, hầm lò lẫn sàng tuyển, nhưng tổ chức sản xuất của ngành than chưa tốt, chỉ huy thiếu chặt chẽ, thiếu quyết liệt cho nên năng suất lao động chưa cao. Hiện nay, ngành than đang trong quá trình tái cơ cấu, hy vọng vấn đề này sẽ sớm được cải thiện. Hoạt động trong cơ chế thị trường, song TKV lại thiếu năng động trong công tác thị trường.
Năm 2016, do kinh tế thế giới suy thoái, lẽ ra TKV cần điều chỉnh giá bán than linh hoạt theo thị trường để không bị tồn kho cao, giảm bớt áp lực về việc làm và dư nợ vay cao, đồng thời nhanh nhạy, tranh thủ thời cơ giá than xuống thấp, nhập nhanh than về hòa trộn bán cho các hộ tiêu thụ. Cả hai việc trên, TKV đều phản ứng chậm chạp. Giá linh hoạt trong hoàn cảnh đó có thể thấp hơn giá mong đợi, nhà sản xuất than tạm thời bị thiệt thòi, nhưng các ngành sử dụng than được lợi, cả nền kinh tế được lợi.
Ở phía các cơ quan nhà nước, dường như thiếu sự nhất quán trong quản lý đối với ngành than trong mấy năm vừa qua, để xảy ra tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ", thị trường không ra thị trường, kế hoạch hoá tập trung không ra kế hoạch hóa tập trung. Từ khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, ngành than được giao nhiệm vụ bảo đảm đủ than cho nền kinh tế, bao gồm cả than sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các doanh nghiệp sử dụng than cần ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung ứng than.
Những năm trước 2010-2011, than bán cho các nhà máy nhiệt điện theo giá chỉ đạo của Nhà nước, thường thấp hơn giá bán cho các hộ sử dụng khác và chỉ bằng 60 đến 70% giá thành, đến năm 2010 mới tiệm cận giá thành; TKV phải bù lỗ từ lãi xuất khẩu than. Chính vì lẽ đó, các hộ sử dụng than lớn trong nước, cả đầu tư nước ngoài sau này đều đưa ra yêu cầu TKV ký hợp đồng dài hạn cho cả đời dự án của họ.
Từ năm 2015, khi than thế giới dư thừa, Bộ Công thương “mở cửa” với than ngoại nhưng lại “đóng chặt cửa” đối với than nội, mặc cho TKV nhiều lần khẩn khoản xin phép xuất khẩu than vùng Vàng Danh, Uông Bí (chất bốc thấp, lưu huỳnh cao nhưng có bạn hàng quen thuộc nước ngoài muốn mua). Một số đơn vị sử dụng than tự động rời bỏ TKV, quay sang mua than nhập khẩu vì giá rẻ hơn. Tuy nhiên, đây chính là phá bỏ hợp đồng, lợi trước mắt nhưng hại về sau vì chẳng có nhà nhập khẩu nào cam kết cung cấp than dài hạn như TKV.
Những bất cập cần tháo gỡ
Hiện nay, các loại thuế, phí đánh trực tiếp vào giá thành than khoảng 15 đến 16% (bao gồm thuế tài nguyên, thuế đất, thuế môi trường, phí môi trường, quyền cấp phép khai thác than...), cao hơn khoảng 5 đến 6% so với các nước đang xuất khẩu than vào Việt Nam, trong khi thuế suất thuế nhập khẩu than lại được ưu ái ở mức 0%.
Nếu mức thuế, phí của than trong nước là 10% như các nước khác và thuế nhập khẩu than bằng 5% chẳng hạn, đã không có 12 triệu tấn than từ nước ngoài được nhập vào nước ta trong năm 2016. Và, nếu ngành than quản lý chi phí tốt hơn, sẽ có lãi cao chứ không ở mức thấp như năm qua. Việc thực thi những quy định không hợp lý và sự chậm chạp trong việc cấp phép thăm dò, khai thác than cũng góp phần làm gia tăng giá thành sản xuất than.
Ngay sau khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam cuối năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao vốn, giao tài nguyên, trữ lượng than cho Tổng công ty và năm 1995, Bộ trưởng Công nghiệp nặng (thời đó, Cục Địa chất - Khoáng sản trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng) đã ban hành quyết định giao tài nguyên, trữ lượng than cho Tổng công ty Than Việt Nam để chủ động thăm dò, khai thác và bảo vệ; Tổng công ty bàn giao ranh giới cho các mỏ than quản lý. Nhờ vậy, Tổng công ty đã chủ động điều chỉnh ranh giới mỏ, chủ động thăm dò (sâu xuống đáy tầng than ở một số nơi), đồng thời mở rộng, đầu tư các mỏ mới.
Có thể nói, quyết định giao tài nguyên than cho một chủ thể là Tổng công ty Than Việt Nam đã tạo ra động lực to lớn, giúp đột phá gia tăng nhanh sản lượng than từ sáu triệu tấn năm 1994 lên 42 triệu tấn năm 2009 (tăng bảy lần). Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, TKV khai thác than không có giấy phép, yêu cầu xin cấp phép lại cho từng mỏ để phù hợp Luật Khoáng sản (ra đời sau quyết định về giao tài nguyên, trữ lượng than nêu trên).
Không thuyết phục được Bộ Tài nguyên và Môi trường, TKV phải báo cáo và Thủ tướng Chính phủ chính thức chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép chung cho công ty mẹ TKV cùng với giấy phép cấp cho các công ty con. Tuy nhiên, chỉ đạo này đến nay vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết.
Nhiều năm qua, than trái phép (than thổ phỉ) vẫn là vấn nạn, một trong nhiều nguyên nhân làm tăng giá thành than. Than ăn cắp, than khai thác trái phép được đưa đi tiêu thụ nhờ tự phát hành hay mua hóa đơn, nhờ không bị truy nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Suy cho cùng, chỉ có TKV, Tổng công ty Đông Bắc và một số công ty nhỏ lẻ có mỏ than; nhưng hóa đơn bán than thì "trăm hoa đua nở".
Sự thiếu thống nhất trong quản lý nhà nước ở các địa phương cũng là nguyên nhân khiến nỗ lực ngăn chặn, triệt phá than thổ phỉ trở nên “đầu voi đuôi chuột”. Đơn cử, mỗi khi tỉnh Quảng Ninh ra quân dẹp bỏ bến bãi than trái phép, phía bên kia sông, trên đất Hải Dương và Hải Phòng, lại mọc ra thêm các bến bãi chứa than trái phép công khai hoạt động.
Để tháo gỡ bất cập, “cởi trói” cho ngành than, xin kiến nghị một số vấn đề chính. Trước hết và quan trọng nhất, ngành than cần kiến nghị Chính phủ xác định lại cho rõ vai trò của ngành đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia để hoạt động theo một cơ chế nhất quán: Đã kế hoạch hóa tập trung thì kế hoạch hóa tập trung hoàn toàn, đã theo thị trường thì phải tuân thủ các quy luật của thị trường, chỉ định hướng bằng chính sách, không can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
Căn cứ các quy định luật pháp hiện hành, người viết bài này kiến nghị cho phép ngành than được hoạt động theo cơ chế thị trường, có nhập khẩu, có xuất khẩu trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về hiệu quả; tự vay đầu tư, tự trả nợ. TKV và Tổng công ty Đông Bắc không phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc cung cấp đủ than cho nền kinh tế, chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về hợp đồng đã ký. Các nhà sử dụng than lớn (nhiệt điện, xi-măng...) cũng như nhỏ được tự do lựa chọn nhà cung cấp than và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình cả trước mắt lẫn lâu dài.
Nhà nước xem xét điều chỉnh thuế và phí (cả thuế, phí đánh vào than sản xuất trong nước lẫn thuế nhập khẩu than) sao cho phù hợp thị trường, không cao hơn các nước sản xuất than khác trên thế giới, tạo thế cho ngành than cạnh tranh bình đẳng với than nhập khẩu và gia tăng sản lượng than trong các năm sau.
Cần điều chỉnh, sửa đổi Luật Khoáng sản trên cơ sở xem xét kỹ các ý kiến tham vấn của Bộ Công thương, Hội Khoa học - Công nghệ mỏ Việt Nam, các doanh nghiệp liên quan, để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp mỏ hiện đại, hiệu quả. Cần cấp phép một lần cho chủ mỏ với quyền thăm dò và khai thác sâu đến đáy tầng than; bãi bỏ điều khoản phạt do tăng sản lượng khai thác hằng năm so với thiết kế.
Cũng xin kiến nghị Chính phủ hết sức thận trọng khi quyết định cổ phần hóa hay rút bớt vốn nhà nước tại các công ty than. Ngày 6-4-2016, Chính phủ có văn bản đồng ý bán theo lô đến 65% tổng vốn nhà nước theo hình thức thỏa thuận với bên mua Thai Group (Công ty Xuân Thành trước đây) tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (thuộc TKV), khi tổng công ty này đang quản lý, khai thác ba mỏ Na Dương, Khánh Hòa và Núi Hồng đang cấp than cho hai nhà máy nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn.
Nếu chỉ tính vốn nhà nước trên sổ sách hiện tại của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc thì quá ít, cái bên mua hướng tới chính là nhiều triệu tấn than đã được TKV thăm dò chi tiết đang nằm dưới lòng đất, nhưng chưa có quy định để tính vào giá trị doanh nghiệp. Đó mới thật sự là giá trị, tài sản lớn của quốc gia, cần được xem xét tính vào giá trị doanh nghiệp. Bài học của LB Nga trước đây, khi Tổng thống En-xin bán rẻ một số mỏ than cho tư nhân, một thời gian sau, Tổng thống Pu-tin phải mua lại các mỏ theo giá thị trường để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia./.