“Quản lý thị trường phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón”
VOV.VN -Đây là một hiện tượng có thật của lực lượng QLTT vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 17/11.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quốc hội chiều 17/11, ĐBQH Nguyễn Thị Khá nêu thực trạng rằng, có những mặt hàng trong nước người dân và doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ không hết thì hàng gian, hàng lậu thẩm lậu qua biên giới như thuốc lá, đường, nông sản, thực phẩm... không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong nước thì sản xuất nhiều thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền...
Hơn nữa, bà Khá còn cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ban hành Chỉ thị 19 và Thông tư 4992. Từ đó, bà Khá đặt câu hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết, từ nay đến cuối 2015, Bộ trưởng có dám cam kết với ĐBQH và cử tri cả nước sẽ truy quét, ngăn chặn, xử lý các loại hàng nói trên so với năm 2014 và giảm được bao nhiêu phần trăm? Bộ trưởng cần bao nhiêu lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách từ Trung ương đến địa phương và chính sách cụ thể nào để thực hiện việc này đạt hiệu quả tốt hơn, để người dân yên tâm lao động sản xuất và cạnh tranh lành mạnh?
Vi phạm về gian lận thương mại năm sau đều cao hơn năm trước
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, như đại biểu Khá nêu, là vấn đề nhức nhối, tồn tại từ nhiều năm nay. Các lực lượng chức năng đã cố gắng, nhưng kết quả còn hạn chế, trong đó có lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các ĐBQH phục vụ lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này. Vấn đề về chống buôn lậu qua biên giới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo ngành công an, tài chính, quốc phòng chia sẻ thêm, vì buôn lậu qua biên giới thì trước hết phải đi qua biên giới, thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của các lực lượng liên quan này. Còn khi vào thị trường trong nước, QLTT là chủ công.
Tỷ lệ số vụ việc vi phạm về gian lận thương mại trong thị trường trong nước năm này qua năm khác thì năm sau đều cao hơn năm trước, số vụ xử lý vi phạm cũng cao hơn năm trước. Ví dụ, 10 tháng đầu 2014, số vụ kiểm tra và số vụ xử phạt của lực lượng QLTT đều tăng so với cùng kỳ 2013 từ 12-14%. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp.
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trước hết, do dung lượng thị trường ngày càng phát triển và phát triển rất mạnh, tốc độ tăng trưởng rất cao; độ mở của nền kinh tế cũng rất lớn. Cho nên, việc giao thương hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng là một xu thế. Đi liền với xu thế giao thương này, một số phần tử làm ăn không đứng đắn kể cả trong nước và móc nối với nước ngoài cũng lợi dụng kẽ hở để đưa hàng chất lượng kém, hàng giả, hàng không đáp ứng được yêu cầu vào tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón
Nguyên nhân thứ hai được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ ra là, do công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, dù đã có cố gắng, nhưng phương tiện, công cụ vừa yếu, vừa thiếu, trang thiết bị không đầy đủ nên đấu tranh chống lại hiện tượng này hiệu quả không cao. Đi kiểm tra còn thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm, thiếu thiết bị đánh giá chất lượng. Thậm chí, “để có thể xác định chất lượng phân bón trên thị trường, khá nhiều nơi, cán bộ chi cục QLTT đã phải thử bằng miệng, tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là một hiện tượng có thật, xin báo cáo Quốc hội như vậy” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn ví dụ.
Về ý kiến trả lời này, ĐBQH Nguyễn Thị Khá cho biết: “Tôi rất buồn, vì theo Bộ trưởng, do thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng, vậy thuốc trừ sâu phải kiểm định bằng gì? Nếu thiếu phương tiện đến vậy, giải pháp nào? Bộ trưởng có trách nhiệm đến đâu?”
Giải đáp ý kiến này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, “tôi dẫn ví dụ này chỉ là một ví dụ để nói rằng, chúng ta còn đang thiếu công cụ phục vụ kiểm tra chất lượng, không phải chỉ trong phân bón vô cơ, mà còn trong thực phẩm, hàng hóa khác liên quan đến sức khỏe và đời sống nhân dân. Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều kiến nghị để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét bổ sung thiết bị cho ngành quản lý thị trường”.
Tiếp tục trả lời liên quan đến nội dung hàng giả, hàng lậu... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu một nguyên nhân nữa, đó là không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường có tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho sai phạm nên dẫn đến hiệu quả công tác này chưa cao.
Thứ tư, sự phối hợp, bất cứ hoạt động kinh tế nào đều gắn chặt với địa phương, nhưng sự phối hợp còn chưa nhất quán, chưa chặt chẽ. Vì quản lý thị trường theo hệ thống thì ở tỉnh là thuộc Sở Công Thương, mà Sở này lại trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ cán bộ đến thiết bị. Cho nên, sự vào cuộc của các địa phương rất quan trọng. “Rất mong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự tham gia chia sẻ, hỗ trợ của địa phương thì công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mới nói chung, trong đó có quản lý thị trường mới đạt hiệu quả”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Về câu hỏi của bà Khá về việc Bộ trưởng cam kết đến 2015 sẽ giảm bao nhiêu phần trăm, Bộ trưởng “chỉ dám nói chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực, cố gắng, còn đo lường phần trăm thì khó, nhưng chắc chắn không thể không cải thiện tình tình này. Tin rằng, với việc ra đời Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban thường trực và cả một Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó trưởng Ban, với sự vào cuộc quyết liệt các cấp ngành thì công tác này từng bước sẽ đạt hiệu quả”./.