Quảng Nam quyết xây dựng 4 nhà máy thủy điện đầu nguồn Sông Tranh 2
VOV.VN - Qua thảo luận tại Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam, đa số đại biểu đồng tình đưa vào quy hoạch 4 nhà máy thủy điện đầu nguồn Sông Tranh 2.
Hôm nay (18/6), các đại biểu dự Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam tiến hành thảo luận và chất vấn nhiều vấn đề "nóng" trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó có việc xây dựng 4 nhà máy thủy điện ở huyện vùng cao Nam Trà My, đầu nguồn Thủy điện Sông Tranh 2, nơi thường xuyên xảy ra động đất khiến người dân lo lắng.
Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam |
Ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, cả 4 dự án thủy điện được tỉnh Quảng Nam đưa vào quy hoạch lần này ít ảnh hưởng đến rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh buộc các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại theo quy định. Ước tính mức bồi thường mỗi héc ta khoảng 1 tỷ đồng đối với rừng giàu, vài trăm triệu đồng đối với diện tích rừng bình thường.
Theo ông Lê Minh Hưng, diện tích rừng bị ảnh hưởng rất ít, trong đó, rừng phòng hộ ảnh hưởng có 2,44 ha, còn lại là rừng sản xuất. Tổng diện tích rừng tự nhiên ảnh hưởng khoảng 22 ha rừng có cây gỗ, còn lại là tre nứa. Địa hình Nam Trà My độ chênh cao nên lợi dụng thế năng là chính, không xây đập cao lên như những hồ lớn nên không ảnh hưởng nhiều.
Tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh về việc "quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh" bổ sung 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My gồm: Thủy điện Trà Linh 1, Thủy điện Tăk Lê, Thủy điện Nước Lah và Thủy điện Trà Leng. Tổng công suất 4 dự án nhà máy thủy điện này gần 80 MW; tổng diện tích đất hơn 140 ha. Trong đó, đất lâm nghiệp hơn 60 ha.
Trong phiên thảo luận sáng nay, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My cho rằng, do cả 4 thủy điện này không di dời dân nên chính quyền không tổ chức lấy ý kiến dân mà chỉ lấy ý kiến trong lãnh đạo huyện.
"Đối với huyện 30a, địa phương được cho là "thủ phủ" sâm, dược liệu quốc gia, có cụm công nghiệp để nhà đầu tư vào phát triển kinh tế- xã hội thì điện là ưu tiên số 1. Cái gì cũng có 2 mặt, nhưng mặt hại rất là ít so với phát triển kinh tế, không những hiệu quả kinh tế cho địa phương mà hiệu quả kinh tế cho quốc gia", ông Bửu lưu ý.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đưa 4 thủy điện vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My vào quy hoạch là phù hợp với chủ trương và nghị quyết của Tỉnh ủy về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nhằm huy động mọi nguồn lực sớm hoàn thành và đưa hệ thống truyền tải 110kV từ Sông Tranh 2 về huyện Nam Trà My hiệu quả, đảm bảo yêu cầu cấp điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân huyện Nam Trà My, phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước của địa phương. Đồng thời, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ.
Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân về những tác động bất lợi của các dự án thủy điện này, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phải xem xét kỹ, tránh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" rất khó thực hiện./.