Quảng Nam thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam có nhiều vùng chuyên canh của hợp tác xã kiểu mới thực hiện theo chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước giúp nông dân tăng mức thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Những cánh đồng sen ở các xã Duy Sơn, Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang vào mùa thu hoạch. Năm nay thời tiết thuận lợi, sen được mùa lại được giá, bà con ai cũng vui. Ông Lê Chí Kỷ, người dân ở xã Duy Thành cho biết: Nhờ tham gia liên kết sản xuất cây sen theo chuỗi giá trị nên gia đình yên tâm về đầu ra sản phẩm, không bị thương lái ép giá như trước. Vụ sen năm nay, gia đình ông Kỷ trồng hơn 1 héc ta, thu lãi gần 100 triệu đồng.
“Chính quyền địa phương cũng động viên nông dân theo chuỗi liên kết trồng cây sen. Trước đây, trồng cây sen đầu ra bếp bênh tiêu thụ cũng khó, từ khi liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả cao. Các chủ cơ sở, Hợp tác xã họ đến mua tại chỗ nên bà con yên tâm trong sản xuất. Chính quyền địa phương cũng có hỗ trợ bước đầu cho nông dân. Trước đây, trồng lúa kém hiệu quả chuyển qua trồng cây sen đạt hiệu quả hơn và không lo đầu ra”, ông Lê Chí Kỷ nói.
Hiện nay, người dân trồng sen, cây lúa, các loại đậu xanh, ớt…được Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Duy Oanh đóng ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thu mua với mức giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Việc xây dựng chuỗi kiên kết trong nông nghiệp giúp Hợp tác xã có chỗ đứng trên thị trường, mở rộng mối quan hệ hợp tác sản xuất. Hợp tác xã tiếp tục thực hiện triển khai mô hình liên kết sản xuất, tạo ra các sản phẩm như, sen Trà lý, lúa, các loại đậu, mè, gạo lứt.
Theo bà Phạm Thị Duy Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Oanh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân.
“Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Duy Oanh mục tiêu là liên kết sản xuất trong nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm từ nông sản của địa phương như sen, lúa, mè. Hiện tại, Hợp tác xã đã mở rộng quy mô liên kết các nguyên liệu của địa phương, đặc biệt là sen Trà Lý. Mong muốn của chúng tôi là khi liên kết sản xuất giải quyết được vùng nguyên liệu của địa phương mình, tạo điều kiện cho bà con nông dân yên tâm sản xuất”, bà Phạm Thị Duy Mỹ chia sẻ.
Riêng tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thực hiện 40 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích gần 1.000 héc ta, gồm lúa giống, rau củ quả và hoa màu, cây sen… Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên cho rằng: Liên kết sản xuất không chỉ giúp nông dân được bao tiêu sản phẩm mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như khai thác tiềm năng đất đai, giúp duy trì sản xuất cả trong điều kiện thời tiết bất thường.
“Thời gian qua, huyện tiếp tục triển khai các dự án liên kết sản xuất theo Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Vụ Đông xuân năm 2023-2024, các xã thị trấn tiếp tục triển khai 4 dự án liên kết là trồng Đinh Lăng, sản xuất lúa giống, trồng sen, tổng diện tích là 190 héc ta. Bên cạnh đó, các HTX và các tổ hợp tác đã chủ động liên kết với cá nhân, doanh nghiệp để sản xuất lúa giống hơn 100 héc ta nữa.
Việc liên kết này gắn với sản xuất tập trung với sản phẩm chủ lực và hướng đến quản lý theo số vùng trồng đối với nông sản địa phương để tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá và được giá mất mùa”, ông Nguyễn Chí Công cho hay.
Thực hiện Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam, mấy năm nay, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đem lại nhiều kết quả.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: lớn mô hình liên kết sản xuất đều giúp nông dân tăng thêm từ 20% đến 35% giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị. “Hàng năm, HĐND, UBND| tỉnh Quảng Nam cũng đã có kế hoạch phân bổ vốn cho các địa phương. Ngành nông nghiệp tập trung phấn đấu tất cả những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất và đưa vào tham gia chuỗi liên kết là 30%. Đưa vào chuỗi liên kết, người nông dân cũng như các chủ thể ổn định trong tổ chức sản xuất, hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư nông nghiệp. Chủ thể doanh nghiệp tham gia liên kết được đầu tư hỗ trợ một phần trang bị máy móc, thiết bị. Trong quá trình liên kết, hiện nay đã hình thành nên những sản phẩm OCOP. Các hộ nông dân cũng như Hợp tác xã đi theo chuỗi liên kết thấy được hiệu quả, đồng thời là kiểm soát được chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm”, ông Ngô Tấn nói.