Quảng Ninh quyết liệt ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt
VOV.VN - Từ đầu năm tới nay, tỉnh Quảng Ninh phát hiện và xử lý hơn 660 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng. Đây là biện pháp quyết liệt Quảng Ninh triển khai nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Dịp cuối năm là thời điểm các tàu cá thường lợi dụng diễn biến thời tiết phức tạp để tổ chức đánh bắt thủy sản bằng các loại ngư cụ đã bị cấm. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy chỉ trong tháng 11 qua đã có hàng chục vụ ngư dân bị phát hiện đang khai thác thủy hải sản bằng hình thức "giã cào" - phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt.
Thiếu tá Đinh Trung Giáp, Phó hải đội trưởng, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Đơn vị rất quyết liệt, tổ chức các đợt tuần tra kiểm soát và thường xuyên tổ chức từ 2 đến 4, hoạt động trên biển để tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, để đảm bảo an ninh trật tự vùng biển.
Bắt đầu từ tháng 10/2022 đã xuất hiện các tàu từ các địa phương khác như Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định khai thác Sò nhám ở vùng biển Quảng Ninh. Sau khi khai thác họ đóng bao, vận chuyển bằng Container đông lạnh vào vùng Phú Yên, Khánh Hòa để làm thức ăn cho tôm hùm, cua...".
Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt, các địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản - nhất là tại các vùng biển vừa được quy hoạch là khu bảo tồn biển như Cô Tô, đảo Trần hay các khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; tiến hành thả con giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho tự nhiên.
Bà Đặng Thị Việt Hương, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Thủy sản, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Năm nay, ngành thủy sản Quảng Ninh phối hợp với Tổng cục Thủy sản thả hơn 20 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ, trong đó có 8 triệu con giống thủy sản được thả ở vịnh Hạ Long".
Cũng theo bà Hương: "Hiện nay nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhất là trữ lượng thủy sản. Đây là kết quả điều tra nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, vùng lộng do Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Viện nghiên cứu Tài nguyên môi trường biển và Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện...
Quan trọng nhất là nhận thức của ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển đã tốt lên rất nhiều, đặc biệt người dân đã tự giác và triển khai ký cam kết bảo vệ khai thác, bảo vệ môi trường và ký cam kết không vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài"./.