Quảng Trị thu hút đầu tư: “Cô gái đẹp đang tuổi kén chồng”
VOV.VN - Với nhiều lợi thế vốn có cùng nhiều khát vọng phát triển, tỉnh Quảng Trị đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư.
Nằm ở trung điểm miền Trung, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng lợi thế rất nhiều mặt, nhưng thu hút đầu tư vẫn èo uột. Hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch lần đầu tiên tỉnh này tổ chức là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà đầu tư nhận diện tiềm năng, chính sách, cơ hội đầu tư, đồng thời tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
Quảng Trị là cửa ngõ của Hành lang Kinh tế Đông Tây tạo ra lợi thế lớn trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế. |
Quảng Trị cũng là một trong số ít địa phương có quỹ đất sạch, diện tích lớn đất hoang hóa ven biển, chi phí giải tỏa đền bù thấp, đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn từ 300 hécta trở lên, phục vụ các dự án tổ hợp du lịch, các dự án đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, logistics, điện gió, năng lượng, phát triển đô thị quy mô lớn hiện đại...
TS. Trần Du Lịch cho rằng, Quảng Trị là tỉnh nghèo, nhưng nghèo cũng là lợi thế cạnh tranh, vì người dân và chính quyền có khát vọng phát triển và cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dù "trải thảm đỏ" nhưng cần kiên trì lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ để họ trở thành “con sếu đầu đàn” cho từng lĩnh vực cụ thể, nhằm tạo sức lan tỏa, tạo động lực và dẫn dắt phát triển.
“Trong thời đại hội nhập này, không thể làm mọi thứ mà phải lựa chọn. Để có thể đầu tư tốt phát triển, Chính phủ và tỉnh phải là bà đỡ, có bàn tay vàng thì nhà đầu tư mới có được “mẹ tròn con vuông”, TS. Trần Du Lịch tư vấn.
Đề cập đến yếu tố liên kết vùng trong phát triển thu hút đầu tư vào Quảng Trị, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra cách tiếp cận mới cho Quảng Trị, đó là tỉnh càng nghèo càng phải dựa vào hội nhập. Trong khi Quảng Trị có tiềm năng và lợi thế về du lịch rất lớn mà xưa nay chưa từng được phát huy.
PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định, Quảng Trị là một “biểu tượng hòa bình” gắn với trung tâm hành hương về mặt tôn giáo và văn hóa, lại nằm giữa Cố đô Huế - Di sản thế giới và Di sản Thiên nhiên Thế giới và Phong Nha- Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) là lợi thế lớn. Nếu biết tận dụng để liên kết vùng đầu tư thì Quảng Trị sẽ là trung tâm du dịch, 3 địa phương một điểm đến.
“Nếu biết linh thiêng hóa mảnh đất Quảng Trị sẽ là điều kiện, là nền thảng để Quảng Trị phát triển. Để làm việc này, Trung ương phải quan tâm đến Quảng Trị như là 1 tọa độ du lịch quốc gia, đó là cách để tuyên bố với nhà đầu tư cũng là lời mời gọi, là tín hiệu về tương lai triển vọng của Quảng Trị”, PGS.TS. Trần Đình Thiên lưu ý.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài, có hiệu quả và bền vững tại Quảng Trị.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị cam kết không để nhà đầu tư chờ quá 10 ngày nhận quyết định chủ trương đầu tư kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; Áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước, đất đai, bảo vệ môi trường; Hoàn thành việc cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài không quá 4 ngày... Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhận và thảo luận với các nhà đầu tư bất kể thời gian nào, kể cả ngày nghỉ lễ và ngoài giờ hành chính.
“UBND tỉnh Quảng Trị cố gắng tháo gỡ khó khăn và minh bạch hóa tất cả các thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn hiệu quả nhất. Chính quyền và người dân Quảng Trị ý thức rằng, doanh nghiệp phát triển, tỉnh Quảng Trị sẽ phát triển”, ông Chính quả quyết.
Với việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung tuyến đường nối từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay đến Cảng Mỹ Thủy vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và sự hình thành của Khu Kinh tế Đông Nam, Quảng Trị sẽ là một lợi thế có giá trị tiềm tàng trong tương lai.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn Quảng Trị trong chuyến công tác đầu tiên trên cương vị mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là quan tâm đặc biệt đến các tỉnh nghèo. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế của đất nước và địa phương.
“Trên tinh thần của Chính phủ mới, của Hiến pháp đối với Chính phủ là quan tâm đến vùng khó khăn, những vùng đang đặt ra những vấn đề xã hội như Quảng Trị. Cho nên, những người làm chính quyền cần thành tâm, lắng nghe, dù trái ý để khắc phục tồn tại bất cập trong lãnh đạo, quản lý nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Việt Nam coi đầu tư nước ngoài là thành phần phát triển kinh tế của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Với 18 dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.600 tỷ đồng được UBND tỉnh Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị, cùng nhiều cam kết mới là tín hiệu lạc quan và triển vọng trong thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng mang tính bền vững, đó là muốn giữ được chân nhà đầu tư, hơn ai hết chính quyền tỉnh Quảng Trị phải giữ đúng cam kết, nhất quán từ trên xuống, không để rơi vào tình trạng “trên trải thảm đỏ dưới rải đinh” như đã từng xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua./.