Quảng Trị xây dựng vùng chuyên canh nông sản hữu cơ xuất khẩu
VOV.VN - Thời gian qua, nhiều nông sản hữu cơ của tỉnh Quảng Trị trở thành thương hiệu như: Gạo hữu cơ, dược liệu an xoa, chè vằng đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Tỉnh Quảng Trị đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh nông sản hữu cơ xuất khẩu.
Vùng đất Quảng Trị vốn nghèo khó vì sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng chính trên mảnh đất khô cằn này lại cho ra những nông sản có giá trị cạnh tranh. Nhiều nông sản hữu cơ của tỉnh Quảng Trị trở thành thương hiệu như: Gạo hữu cơ, dược liệu an xoa, chè vằng đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Tỉnh Quảng Trị đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh nông sản hữu cơ xuất khẩu.
Cho lúa “uống” sữa tươi, “ăn” trứng gà là chuyện quá xa xỉ và không tưởng đối với nhiều người nhưng đây là chuyện có thực được nhiều nông dân tỉnh Quảng Trị ứng dụng để sản xuất lúa hữu cơ. Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng là một trong những đơn vị đầu tiên ở tỉnh này trồng lúa hữu cơ. Quy trình sản xuất lúa hữu cơ rất nghiêm ngặt, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu mà chỉ dùng phân bón hữu cơ, dùng máy bay không người lái để phun thuốc. Vào thời điểm lúa làm đòng, trỗ bông, bà con còn dùng trứng gà và sữa tươi để phun cho lúa.
Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng cho biết, trồng lúa hữu cơ năng suất cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống và đầu ra ổn định.
Theo ông Hòa: “Làm lúa hữu cơ về năng suất, giá trị sản phẩm, giá thành gần gấp đôi, giá cả ổn định, được công ty bảo lãnh năng suất. Bình quân lãi suất/sào ruộng tăng 1 triệu đồng so với sản xuất thông thường, đem lợi về môi sinh môi trường. Ví dụ con cá, con ốc bắt ở ruộng lúa hữu cơ đem đi bán cũng có giá hơn”.
Năm 2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản ghi nhận và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được 2 hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì. Đây chính là ưu điểm vượt trội, lợi thế cạnh tranh của gạo hữu cơ Quảng Trị. Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 200 hécta lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Gạo hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị xuất khẩu sang nhiều nước, kể cả thị trường khó tính như châu Âu.
Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị là một trong những đơn vị ở tỉnh Quảng Trị liên kết với nông dân đầu tư phát triển lúa hữu cơ, hình thành, phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa để sản xuất gạo hữu cơ xuất khẩu.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, đơn vị thành lập xưởng sản xuất phân bón vi sinh chuyên dùng cho cây lúa hữu cơ; nhập máy cấy lúa, máy bay không người lái phun các chế phẩm hữu cơ chăm sóc lúa; lắp ráp dây chuyền sản xuất chế phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp như: gừng, ớt, tỏi, cá rô phi… dùng để trừ sâu cho cây lúa. Theo ông Hồ Xuân Hiếu, làm lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn bán ra nước ngoài yêu cầu rất nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói thành phẩm:
“Ưu điểm trồng lúa hữu cơ là chỉ được cấy, không gieo sạ, vì khi cấy lúa sẽ không có cỏ. Còn nếu gieo hoặc sạ, cỏ sẽ mọc nhiều. Bà con phải phun thuốc trừ cỏ, như vậy thì không thể gọi là lúa hữu cơ. Quy trình trồng lúa hữu cơ rất nghiêm ngặt, từ hạt lúa hữu cơ rồi khi đưa vào chế biến thành gạo cũng phải qua nhiều công đoạn. Nếu đạt chuẩn mới được công nhận là gạo hữu cơ đóng gói đưa ra thị trường” - ông Hiếu chia sẻ.
Tại tỉnh Quảng Trị, nhiều nông sản trở thành đặc sản có thương hiệu không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước khác. Điển hình như Gạo sạch Triệu Phong đoạt giải nhất về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường năm 2017 tại Hội nghị Quốc tế về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường tổ chức tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ tại 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đã được tổ chức Control Union, một tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ. Cây An xoa mọc hoang dại ở rừng tự nhiên của huyện Cam Lộ, trước đây được người dân lấy về nấu cao bán thị trường trong nước thì bây giờ, sản phẩm cao An xoa Quảng Trị đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhiều nông sản ở tỉnh Quảng Trị đã được đưa lên sàn thương mại điện tử toàn cầu.
Bà Lê Thị Hồng Nhạn, chủ một cơ sở sản xuất dược liệu ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, sản phẩm cao An xoa đã xuất khẩu qua thị trường Mỹ.
“Sắp tới sẽ cho ra nhiều dòng sản phẩm mới. Chúng tôi liên kết với các đơn vị xuất khẩu có gửi sản phẩm thăm dò tại một số thị trường các nước, bước đầu cho thấy, thị trường một số nước ghi nhận hiệu quả” - bà Lê Thị Hồng Nhạn cho biết thêm.
Ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị trong những năm tới. Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết quy định “chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh giai đoạn 2022-2026 định hướng đến năm 2030”. Hàng năm, tỉnh này trích ngân sách 17 tỷ đồng hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị ứng dụng, sản xuất nông sản hữu cơ xuất khẩu.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông sản hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng đạt 5.000 - 10.000 ha.
Ông Đồng nêu rõ: “Chúng tôi chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bộ tiêu chí, quy trình sản xuất gạo hữu cơ và kết hợp các Viện Nghiên cứu xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị bền vững, có mã vạch, có chứng nhận xuất xứ về quy trình sản xuất để người tiêu dùng yên tâm. Chúng tôi sẽ quy hoạch lại diện tích đất trồng lúa tại một số huyện có điều kiện có thổ nhưỡng, đất đai như một số mô hình vừa qua”.
Gần 80% dân số tỉnh Quảng Trị hiện sống bằng nông nghiệp. Tỉnh Quảng Trị xác định phải đi lên bằng nông nghiệp nhưng không phải là nông nghiệp truyền thống mà phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. Biến điều kiện khắc nghiệt của thời tiết thành lợi thế phát triển, tỉnh Quảng Trị từng bước hình thành vùng chuyên canh nông sản hữu cơ xuất khẩu.