Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018
VOV.VN - Chiều nay (14/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 với tỷ lệ tán thành 88,39%.
Với tỷ lệ tán thành là 88,39%, tương ứng 434/440 đại biểu tham gia biểu quyết, chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2018 là 753.404 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh |
Tổng số chi ngân sách trung ương năm 2018 là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang...
Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, trong giai đoạn 2018-2020, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành.
Tổng số thu ngân sách trung ương năm 2018 là 753.404 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT) |
Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định..., Nghị quyết nêu rõ.
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bố trí thu hồi tối thiểu 30% nợ xây dựng cơ bản và vốn ứng trước để đảm bảo hết năm 2020 trả hết nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải |
Do cân đối ngân sách khó khăn, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 chỉ là 187 nghìn tỷ đồng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định tỷ lệ cứng (tối thiểu 20%) để linh hoạt trong điều hành.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bố trí vốn đầu tư cao hơn cho các tỉnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 đã ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để xử lý những vấn đề khó khăn, như hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, hiện nay đang có nhiều công trình của trung ương đầu tư trên địa bàn các địa phương, như: các dự án quản lý, theo dõi, đánh giá tác động môi trường, khí hậu và hệ thống quan trắc… Đồng thời, hàng năm, ngân sách trung ương vẫn dành nguồn dự phòng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như phương án đã trình./. Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2018