Quốc tế đánh giá khả quan triển vọng kinh tế Việt Nam 2023
VOV.VN - Với chỉ số 8,02%, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1997 trở lại đây. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị diễn biến khó lường, kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh và xung đột, Việt Nam được quốc tế đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất với các chính sách vĩ mô hợp lý và điều chỉnh linh hoạt.
Các định chế tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và Quỹ tiền tệ quốc tế có những đánh giá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, với nhận định, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển tốt nhất trong năm nay ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách thích ứng đáng ngưỡng mộ. Nền kinh tế mở cửa trở lại và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm bảo được 2 yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng là xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Những yếu tố cơ bản giúp tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua chính là xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng do biết tận dụng các yếu tố thay đổi của địa chính trị. Thứ 2 là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khi Trung Quốc vẫn giữ chính sách Zero Covid và Mỹ tăng thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc thì đó là cơ hội cho Việt Nam. Chúng ta thấy rõ làn sóng chuyển dịch của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022”, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của Qũy đầu tư VinaCapital đánh giá.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định, sự tăng trưởng này không vững chắc khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái. Kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ không nằm ngoài vòng xoáy của môi trường quốc tế khó lường, các thị trường xuất khẩu đối tác có thể giảm cầu, áp lực lạm phát, tỷ giá cao, giải ngân đầu tư công chậm, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, tài chính vẫn chưa thực sự ổn định.
“Tình hình thế giới biến đổi khôn lường. Tỷ giá thay đổi và giá năng lượng tăng, nguyên liệu đầu vào tăng, giá bất động sản cũng biến động, trong khi đó, vốn đầu tư công thì thường diễn ra trong một thời gian dài với mức ngân sách không đổi nên trong tình hình biến động, việc giải ngân sẽ gặp khó khăn. Nên chăng chúng ta nên tạo những khoảng không gian chính sách linh hoạt, tập trung vào kết quả thay vì quy trình”, ông Adrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải trao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong bối cảnh nhiều khuôn khổ pháp lý chưa theo kịp thực tiễn. Đó là quan điểm của ông Ahmed Eiweida, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới: “Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc tạo ra các chính sách mang tính định hướng, dẫn đường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại các địa phương sẽ có những vướng mắc mang tính thực tiễn, mà có thể khung khổ pháp lý chưa thể theo kịp. Vì vậy, nếu có một cơ chế linh hoạt, trao quyền nhiều hơn cho các địa phương, Chính phủ giám sát và kiểm tra”.
Mặc dù vậy, năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo có thể tăng trưởng khả quan hơn so với mặt bằng chung của khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới có thể đạt 6,7%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,5%. Việt Nam có thể vẫn giữ được đà tăng trưởng của xuất khẩu do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu như nông sản, may mặc… Đặc biệt, với những cam kết cải cách ngày càng mạnh mẽ, sức hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn được đánh giá là đứng top đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương./.