Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam – thiếu và yếu
VOV.VN - Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á đang tăng nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nhờ những chính sách đặc biệt hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, Việt Nam cũng đang thu hút được khá nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới và nhiều dự án khởi nghiệp đã thành công. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vẫn còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Marketing Công ty Appota Việt Nam |
Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Marketing Công ty Appota cho biết: So với thời điểm hiện nay với thời điểm cách đây 5 năm khi Appota thành lập thì đã có sự phát triển lớn. Hiện tại có rất nhiều quỹ không chỉ là quỹ đầu tư nước ngoài và trong nước mà còn rất nhiều nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam. Điều này mang lại lợi ích lớn cho các đơn vị khởi nghiệp vừa và nhỏ bởi đơn vị khởi nghiệp vừa và nhỏ thường rất thiếu các kĩ năng cần thiết để có thể gọi vốn từ các nhà đầu tư lớn.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã xuất hiện các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính cho hoạt động này. Tuy vậy, số lượng còn hạn chế và ít có doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm được nhà đầu tư.
Nguyễn Thị Lan Anh, Sáng lập viên Startup Sero chia sẻ: "Không phải nhà đầu tư nào người ta cũng quan tâm đến lĩnh vực này hoặc nhìn thấy được tiềm năng. Mỗi nhà đầu tư có một định hướng khác. Vậy nên để tìm được nhà đầu tư phù hợp với ý tưởng và người ta hiểu được những cái mình đang làm và những giá trị mình đem lại là không dễ dàng…"
Hiện có khoảng hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, còn nguồn quỹ trong nước chỉ có khoảng 1 - 2 quỹ. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang mất dần thị phần đầu tư mạo hiểm sang các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… vì một phần chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào Việt Nam.
Chính vì những rủi ro như vậy nên các quỹ đầu tư nước ngoài chưa thành lập tại Việt Nam, mới chỉ hoạt động theo kiểu “đánh du kích”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam vẫn chưa mặn mà với việc rót vốn cho hoạt động khởi nghiệp.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ đầu tư FPT Ventures cho biết: Số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam rất ít. Thực ra đầu tư cho khởi nghiệp cần nguồn vốn dài hạn và tỉ lệ sinh lời rất cao nhưng lại hình thành trong khoảng thời gian dài nên các nhà đầu tư hiện chưa quan tâm.
Theo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, vừa được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Việt Nam sẽ chính thức hợp pháp hoá các quy định trong việc thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như quỹ đầu tư thiên thần.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm và kêu gọi thêm tiền đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp, vốn đang được khuyến khích mạnh mẽ.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Việc có luật dành cho các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ giúp môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam trở nên lý tưởng hơn. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn nhất là quy chế cho quỹ, để khuyến khích tạo niềm tin cho các quỹ thành lập và hoạt động.
Nhà nước cần cơ chế phát triển các quỹ đầu tư trong nước để hạn chế việc chảy máu chất xám ra nước ngoài cũng như giúp Việt Nam tránh được thất thoát vốn khi nhiều nhà khởi nghiệp lựa chọn nước ngoài để đặt trụ sở nhằm tranh thủ các chính sách hấp dẫn như cắt giảm thuế hay thủ tục thành lập đơn giản./.