Quy hoạch công nghiệp Vùng kinh tế Bắc Bộ đến 2020

VOV.VN -Quy hoạch đặt ra quan điểm phát triển đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số ngành, lĩnh vực công nghệ cao...

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) bao gồm 7 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước.

Mặc dù trong các năm qua, công nghiệp Vùng KTTĐBB đạt được mức tăng trưởng cao, tuy nhiên với vai trò là vùng động lực phát triển của cả miền Bắc và cả nước thì tăng trưởng công nghiệp của vùng vẫn còn một số hạn chế. 

Chính vì vậy, Quyết định đã đặt ra quan điểm phát triển đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số ngành, lĩnh vực công nghệ cao; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; tập trung xây dựng hình thành vùng công nghiệp lõi nhằm phát huy vai trò đầu tàu, tạo động lực thị trường cho các vùng khác cùng phát triển; phát triển công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo hướng từng bước giảm dần công nghiệp sơ chế thâm dụng lao động, tăng dần các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch phấn đấu xây dựng Vùng KTTĐBB trở thành Vùng công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; phát triển công nghiệp vùng gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới; tạo nên các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước.

Các mục tiêu cụ thể gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 10,05%; Giai đoạn 2021- 2030 đạt 7,75%; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 14,72%; Giai đoạn 2021- 2030 đạt 12,96%; Cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng trong các ngành kinh tế đạt 49,10% vào năm 2020 và giảm xuống 47,80% vào năm 2030.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tập trung phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của các ngành công nghiệp có lợi thế và khả năng cạnh tranh, có giá trị nội địa hóa cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: Điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo máy; sửa chữa, đóng tàu thủy và phương tiện hàng hải; thép chất lượng cao và vật liệu xây dựng mới; hóa - dược phẩm, công nghiệp chế biến thực phẩm và ngành dệt may, da - giày.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, phát thải thấp và thân thiện với môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế tác có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, nâng cao năng suất lao động.

Quy hoạch cũng đề ra phương hướng phân bố không gian trong phát triển công nghiệp cho một số ngành như: Công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, thực phẩm, công nghiệp hóa chất, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may-da giầy, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

Để đạt được những mục tiêu trên, Quy hoạch đề ra một số giải pháp và chính sách chủ yếu như: Giải pháp về vốn, Giải pháp về công nghệ, Giải pháp về nguồn nhân lực, Giải pháp về thị trường và sản phẩm, Giải pháp về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Giải pháp hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn; Chính sách thị trường, Chính sách khuyến khích đầu tư, Chính sách khoa học công nghệ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên