Quy hoạch Khánh Hòa phải sát thực tiễn

VOV.VN - Tỉnh Khánh Hòa đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ nhằm xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Quy hoạch tỉnh Khánh Hoà phải có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo hiệu quả tổng thể, phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia.

Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà được Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định quy hoạch thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và đẳng cấp quốc tế. Quy hoạch này dựa vào những lợi thế như sân bay quốc tế Cam Ranh, đầm Thủy Triều và vùng đất nông nghiệp ở phía Tây rộng lớn. Người dân mong muốn quy hoạch sớm trở thành hiện thực, tránh quy hoạch treo. Đồng thời, các vấn đề môi trường, chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư cho người dân phải đảm bảo.

Ông Đinh Xuân Trường, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm đề nghị: “Tôi rất lo quy hoạch treo kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, kể cả kinh tế, giá trị tinh thần của người dân. Sống trong lo lắng, không biết có nên trồng thêm cây xoài hay không, không biết có nên xây cái nhà hay không, kể cả không biết có nên dọn đi ở nơi khác ổn định hơn hay không? Cố gắng triển khai càng sớm càng tốt để bà con yên tâm”.

Hiện nay, dựa trên lợi thế mỗi vùng, đơn vị tư vấn chia Khánh Hòa thành 4 vùng quy hoạch chính. Cụ thể, Khu Kinh tế Vân Phong sẽ là trung tâm du lịch cao cấp, công nghiệp cảng, trung tâm năng lượng, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Khu vực Nha Trang và phía Nam Ninh Hòa sẽ phát triển nghỉ dưỡng biển, trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục, công nghệ cao. Khu vực Cam Ranh và vùng ven biển Cam Lâm sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ và công nghiệp quốc phòng, logistics, nuôi trồng thủy sản, phát triển đô thị. Khu vực nội địa và miền núi sẽ phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, nông nghiệp giá trị cao.

TS. Ngô Viết Nam Sơn, Cố vấn trưởng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, muốn phát triển bền vững, Khánh Hòa phải tối ưu hóa các tiềm năng phát triển đô thị biển, sông, núi, đảo. Đồng thời, phát triển đồng đều ở các khu vực Đông - Tây, Bắc - Nam nhằm nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi. Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho biết, Khánh Hòa đã tiên phong đưa vào vấn đề hợp tác đa ngành ngay từ nhiệm vụ thiết kế, nhiệm vụ quy hoạch. Bên cạnh đơn vị tư vấn có cố vấn trưởng quy hoạch, các sở, ngành là đồng tác giả. Vì thế, quy hoạch sẽ sát thực tế và thuận lợi trong triển khai.

“Đảm bảo phát triển bền vững, chúng ta phải giữ được giá trị môi trường rất quan trọng, bởi vì rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước phát triển rất mạnh nhưng tới một thời điểm phải chi khá nhiều ngân sách để xử lý môi trường. Và điều này, tác động ngược ảnh hưởng đến sự phát triển. Vì vậy, phân ra những vùng biển gọi là vùng xanh và những vùng nâu. Vùng nâu có tàu biển đi ra, đi vào có khu công nghiệp, sẽ kiểm tra chất lượng môi trường. Và vùng xanh là vùng chúng ta đảm bảo giữ được giá trị môi trường ở mức cao nhất” - TS. Ngô Viết Nam Sơn nói.

Trước đây, chất lượng quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa chưa cao, thiếu liên kết, chưa đồng bộ, thống nhất. Cơ cấu kinh tế bộc lộ nhiều điểm yếu khi gặp phải dịch bệnh Covid-19, 2 năm 2020-2021, kinh tế liên tục suy giảm sâu. Hiện nay, tỉnh đang tái cơ cấu kinh tế, đồng thời đẩy nhanh các dự án hạ tầng cao tốc theo trục Bắc- Nam và Đông Tây.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, giai đoạn 2026 -2030 là “giai đoạn vàng” tỉnh Khánh Hòa khi cơ sở hạ tầng, các tuyến giao thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối Tây Nguyên đưa vào hoạt động. Khánh Hòa nên dựa vào các trụ cột tăng trưởng: du lịch đẳng cấp cao, cảng biển logictics, công nghiệp thân thiện môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị… để làm giải pháp đột phá. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, trước mắt, với những lợi thế về đường bộ, hàng hải, hàng không, tỉnh Khánh Hòa phải trở thành trung tâm, động lực lan tỏa của tiểu vùng Ninh Thuận, Đắc Lắc, Lâm Đồng.

“Điểm hội tụ phát triển càng có ý nghĩa để cho tỉnh Khánh Hòa trỗi dậy. Logictics hay là cảng trung chuyển của Vân Phong phải làm, khía cạnh nội địa ngay trong sự kết nối này, cả vùng Tây Nguyên là hậu phương công nghiệp, nông nghiệp, hậu phương kinh tế cho cảng của chúng ta. Tới đây, lợi thế liên kết thành hiện thực chứ nếu không ta sẽ bỏ lỡ những lợi thế này” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa được các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, chất lượng, có tính lý luận và thực tiễn cao. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 là 7,1%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 là 8,8%/ năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/ năm.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa chỉ còn 8 năm để thực hiện nhiệm vụ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Vì thế, quy hoạch tốt sẽ là nền tảng cho sự phát triển nếu như có sự kết nối giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư.

“Bây giờ chiến lược là các Nghị quyết của Trung ương đã có rồi, quy hoạch chúng ta chuẩn bị có. Kế hoạch tổ chức thực hiện và đầu tư như thế nào, phải cùng lúc song song, đồng thời. Ngay từ khi còn dịch Covid-19, chúng tôi đã tiến hành tổng kết Kết luận 53 và xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị, mời gọi các nhà đầu tư về. Quy hoạch này, quy hoạch Vân Phong, quy hoạch Nha Trang cũng gắn kết rất nhiều với nhà đầu tư chiến lược Việt Nam. Đầu tư sao cho định hướng đúng và đạt được mục tiêu của mình” - ông Nguyễn Hải Ninh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lập quy hoạch để đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước
Lập quy hoạch để đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

VOV.VN - Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025.

Lập quy hoạch để đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

Lập quy hoạch để đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

VOV.VN - Việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025.

Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong
Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong

VOV.VN - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại khu vực nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa nhằm thu hút các dự án điện khí có công suất lớn vào khu vực này.

Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong

Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong

VOV.VN - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại khu vực nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa nhằm thu hút các dự án điện khí có công suất lớn vào khu vực này.

Khánh Hòa sẽ quy hoạch mới Khu Kinh tế Vân Phong
Khánh Hòa sẽ quy hoạch mới Khu Kinh tế Vân Phong

VOV.VN - Tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc Khu Kinh tế Vân Phong.

Khánh Hòa sẽ quy hoạch mới Khu Kinh tế Vân Phong

Khánh Hòa sẽ quy hoạch mới Khu Kinh tế Vân Phong

VOV.VN - Tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc Khu Kinh tế Vân Phong.