Quy hoạch phân khu nội đô Hà Nội: Cần công khai những nhóm đối tượng ở lại và di dời
VOV.VN - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, chính quyền Hà Nội cần thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch.
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, xác định cần giảm 215.000 dân 4 quận này trong giai đoạn 2020-2030. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, chính quyền Hà Nội cần thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp đồ án quy hoạch phân khu, tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định cho rằng, sau 12 năm kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết năm 2008 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, Hà Nội quá tải do sự phát triển quá nóng của các chung cư cao tầng, dẫn đến tắc nghẽn về giao thông. Cụ thể, số lượng nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng phát triển không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô và tình trạng quá tải giao thông. Do vậy, việc Hà Nội cần thực hiện nghiêm đồ án quy hoạch để đảm bảo tính ổn định lâu dài.
“Tất cả mọi việc đều phải tuân theo nguyên tắc “lập kế hoạch, thực hiện, rồi kiểm tra, điều chỉnh”. Cả quy hoạch mới đây không có gì đảm bảo trong tương lai không có điều chỉnh. Chính vậy, khi mà trong quá trình thực hiện theo nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội chúng ta điều chỉnh, nhưng khi điều chỉnh phải có kiểm tra, quá trình kiểm tra phải rất chặt chẽ và chỉ cho phép điều chỉnh để làm tốt hơn, còn điều chỉnh lạm phát, chúng ta có những Luật để xử lý, ở đây chúng ta phải xử lý dựa vào Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và quy trách nhiệm của người đứng đầu về lĩnh vực đó”, đại biểu Lê Công Nhường nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cho rằng, các quy hoạch về cơ bản đều đúng nhưng lại không thực hiện được bởi chúng ta thường ít nhắc đến, hoặc tránh né bài toán lợi ích giữa các bên liên quan. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, cần công khai những nhóm đối tượng được ở lại, nhóm đối tượng phải di chuyển; lợi ích của nhóm đối tượng là chủ nhân các căn hộ, những người sống lâu năm, những người sống ở mặt tiền; điều kiện cơ sở vật chất tại nơi ở mới…
“Tôi cho là hoàn toàn có thể làm được nếu là bài toán được thực hiện nghiêm túc và luôn luôn quan tâm đến lợi ích của tất cả. Mặc dù tôi biết là khó, nhưng tôi tin là có thể làm được, nhưng phải nghiêm túc chứ cứ làm xong chỉ cần thay đổi lãnh đạo là lại thay đổi khác. Vấn đề ở nước mình khổ là có quy hoạch nhưng không bao giờ thực hiện quy hoạch một cách nghiêm túc”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, việc thực hiện nghiêm túc quy hoạch cũng sẽ góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề khác của Hà Nội như: nạn tắc đường, kẹt xe; ô nhiễm không khí, thiếu mảng xanh đô thị; các tiện ích, không gian sinh hoạt công cộng…, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế./.