Quy hoạch vùng bờ đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển

VOV.VN - Chiều 4/8, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, các thành viên hội đồng thẩm định, lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành, địa phương… đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Quy hoạch vùng bờ có mối liên hệ rất chặt chẽ với quy hoạch đất đai và sắp tới là quy hoạch biển, quản lý và sử dụng bền vững không gian biển, liên quan đến quy hoạch chung của 28 địa phương có biển và nhiều quy hoạch chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế trong nhiều năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai một số dự án, giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng bền vững vùng bờ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có Quy hoạch, với cơ chế, công cụ đồng bộ để quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm rõ phạm vi điều chỉnh của quy hoạch, cơ sở khoa học để tính toán phạm vi đối tượng áp dụng. Đồng thời, giải thích rõ vấn đề ranh giới, phân định, các quy định theo các luật liên quan và theo quy hoạch các cấp, từ đó, đưa ra cơ chế quản lý tổng hợp, cơ chế điều phối giữa các ngành với vùng bờ. 

Theo báo cáo của Bộ TNMT, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ cho phát triển các ngành kinh tế ngày càng cao, đặc biệt là du lịch biển, kinh tế hàng hải, dịch vụ logistics, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác khoáng sản, phát triển năng lượng gió… Các xung đột, chồng lấn về không gian sử dụng giữa bảo vệ, bảo tồn với phát triển kinh tế và giữa các hoạt động phát triển kinh tế với nhau đã dẫn đến các hệ luỵ đối với môi trường vùng bờ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng phức tạp, tình hình Biển Đông diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng tài nguyên, hệ sinh thái, môi trường vùng bờ. 

Do vậy, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, mở rộng quỹ đất nhằm tăng thêm không gian cho phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật ven biển thông qua hoạt động lấn biển ở những nơi có điều kiện thích hợp; phát triển thành công, đột phá các ngành kinh tế biển ở vùng bờ theo hướng hiện đại, xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc của các dân tộc vùng ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận đến biển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội của người dân ven biển; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ.

Tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học tại vùng bờ; 100% các khu bảo tồn biển trong phạm vi vùng bờ không còn rác thải nhựa; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn về môi trường; hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển…

Với tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch vùng bờ thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hoá sôi động, thu hút dầu tư và là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa việt nam với quốc tế; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển; đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…  

Tại cuộc họp, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, ủy viên phản biện cho rằng, Quy hoạch nên điều chỉnh giai đoạn thực hiện quy hoạch đồng bộ với quy hoạch khác. Đồng thời, bổ sung thêm các thông tin về tiềm năng tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể, môi trường, trong đó có môi trường xuyên biên giới và các tác động trên lưu vực sông, vùng bờ, đặc biệt là nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai… Từ đó, xây dựng các hệ thống bản đồ phân vùng, bản đồ quy hoạch và định hướng sử dụng tài nguyên vùng bờ phù hợp và sát thực tế.

“Phải làm rõ hơn vai trò của vùng bờ là đầu tàu để thúc đẩy các vùng khác phát triển, làm rõ mối quan hệ giữa vùng bờ và đất liền, không gian biển, tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện Quy hoạch”,  GS.TS Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất điều chỉnh quy hoạch một số cảng biển thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế để phù hợp thực tế địa hình, địa phương. Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ TNMT cập nhập khu vực không gian biển ưu tiên cho quốc phòng, nhằm tránh quy hoạch phát triển chồng chéo.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Quy hoạch sẽ có sự giao thoa với rất nhiều quy hoạch chuyên ngành về không gian biển, hạ tầng ven biển, đường ven biển, khai thác nước ngầm… vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ để không gây xung đột, chồng lấn. 

Ý kiến các bộ ngành, địa phương cũng nhấn mạnh việc lấy trọng tâm là kinh tế, nhưng không thể lơ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển, khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ. Quy hoạch cần thể hiện rõ tính liên ngành, trên nền tảng quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên vùng bờ phù hợp với đặc điểm, khả năng chống chịu của môi trường, hệ sinh thái.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng khẳng định Quy hoạch có đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý, có mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch giao thông... 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quy hoạch làm rõ tiêu chí xác định những khu vực có thể lấn biển, sử dụng làm nơi nhận chìm vật, chất nạo vét tại các cảng biển, luồng lạch: “Quy hoạch phải giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khác, lựa chọn được phương án phát triển tốt nhất dựa trên tài nguyên, môi trường, hiệu quả kinh tế”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi tư duy và hành động để phát triển kinh tế biển xanh
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi tư duy và hành động để phát triển kinh tế biển xanh

VOV.VN - Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng, giá trị từ biển đem lại vô cùng to lớn, phong phú. Biển đã mang lại nguồn sống, sinh kế cho hàng triệu ngư dân đánh bắt trực tiếp và lao động nghề biển gián tiếp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi tư duy và hành động để phát triển kinh tế biển xanh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi tư duy và hành động để phát triển kinh tế biển xanh

VOV.VN - Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng, giá trị từ biển đem lại vô cùng to lớn, phong phú. Biển đã mang lại nguồn sống, sinh kế cho hàng triệu ngư dân đánh bắt trực tiếp và lao động nghề biển gián tiếp.

Hải Phòng xúc tiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố
Hải Phòng xúc tiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố

VOV.VN - Chiều nay (11/7), Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị lần thứ 12, bàn nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, đồng thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Hải Phòng xúc tiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố

Hải Phòng xúc tiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố

VOV.VN - Chiều nay (11/7), Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị lần thứ 12, bàn nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, đồng thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Kinh tế Việt Nam chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức
Kinh tế Việt Nam chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức

VOV.VN - 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm.

Kinh tế Việt Nam chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức

Kinh tế Việt Nam chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức

VOV.VN - 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm.