Quyết liệt chống buôn lậu ở Lạng Sơn
VOV.VN -Trước tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tăng cường chốt chặn tại các điểm nóng.
Căng sức chống buôn lậu
Tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh… lực lượng hải quan và lực lượng chức năng đã lập lán trại tại Bãi Danh, Mốc 05, Mốc 06, Hang Dơi… trực 24/24h ngăn chặn hàng lậu. Cuộc sống của anh em trực ở lán trại hết sức khó khăn, đa phần phải ăn cơm hộp hoặc mì gói, cuối năm còn đối mặt với giá rét.
Ông Nguyễn Công Bách - Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: Do địa hình đồi núi có nhiều đường mòn, lối tắt qua biên giới nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để buôn lậu.
Để vận chuyển hàng, chủ hàng thuê người dân mang vác với giá 10.000 đồng/bao tải, càng vác được nhiều hàng càng được nhiều tiền.
Theo hồ sơ khai báo của doanh nghiệp, linh kiện ô tô nhập về bảo đảm độ rời rạc theo Quyết định 05 của Bộ Công thương để hưởng mức thuế 12%. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thì linh kiện ô tô không đáp ứng được độ rời rạc theo Quyết định này nên phải áp thuế 20%. Theo ông Bách, doanh nghiệp ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, phải tiến hành truy thu thuế doanh nghiệp 1,2 tỷ đồng.
Cho dù các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường truy quét, kiểm tra gắt gao nhưng khu vực ga Đồng Đăng vẫn là một điểm nóng về vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng nhập lậu hàng hóa qua các khu vực cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam; Kéo Kham, Bảo Lâm rồi đổ dồn về đây. Khi tàu ra, vào ga, chúng tiến hành đu, bám, vận chuyển hàng lên tàu.
Liên tiếp bắt giữ hàng lậu
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay Hải quan Lạng Sơn tổ chức bắt giữ 142 vụ buôn lậu qua biên giới, trị giá 1,34 tỷ đồng; Xử lý 195 vụ vi phạm hành chính hải quan, trị giá 4,22 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hải quan Lạng Sơn cũng phối hợp với công an, biên phòng, bắt giữ 7 vụ buôn bán vận chuyển ma túy và 19 vụ vận chuyển trái phép 1.318,2kg pháo nổ qua biên giới…
Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua đơn vị này đã bắt giữ được nhiều lô hàng lậu dán nhãn mác giả. Nhiều hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng khi đưa qua biên giới thì gắn nhãn mác Việt Nam để tung ra thị trường bán. Cụ thể như: bột ngọt, dầu gội đầu, bóng đèn, phích nước, nồi cơm điện, chảo chống dính... Việc nhập lậu hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại có xu hướng tăng so với năm 2013.
Còn theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo 389 (Ban Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh), từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống buôn lậu đã bắt, xử lý hơn 2.340 vụ hàng lậu, hàng cấm, hàng giả..., ước tính trị giá hơn 22,4 tỷ đồng./.
“Chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ có hiệu quả…”
“Đại biểu hỏi tôi có cam kết hay không thì tôi xin nói rằng chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, còn khẳng định là sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm thì rất khó. Tôi tin với sự ra đời của Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ có hiệu quả trong thời gian tới. Chúng ta không có lý do gì mà không tin rằng công tác này sẽ tốt hơn trong năm 2015”
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Hải quan Lạng Sơn đang căng mình 24/24h tại các điểm nóng để ngăn chặn người dân xuất, nhập cảnh trái phép; vận chuyển hàng lậu, hàng cấm… Đến 30/10, Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã thu đạt 3.400 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch được giao, về đích sớm 3 tháng so với kế hoạch.
Ông Vi Công Tường (ảnh nhỏ), Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn./.