Quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, Chính phủ dành trọn 2 ngày để thảo luận về kinh tế-xã hội của đất nước

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa 13 kết thúc chiều 1/9 sau 3 ngày làm việc.

Với tinh thần đổi mới và trách nhiệm, từng thành viên Chính phủ đã thẳng thắn phân tích và đưa ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, những bất cập trong công tác quản lý, điều hành ở từng bộ, ngành cũng như trong quy chế làm việc chung của Chính phủ. Tất cả vì mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, trước mắt là chung sức vượt qua khó khăn, quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phấn đấu tăng trưởng khoảng 6% trong cả năm nay.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2011 diễn ra trong 3 ngày từ 30/8-1/9
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Chính phủ dành trọn 2 ngày để thảo luận về kinh tế xã hội của đất nước, dự báo tình hình trong cả năm nay và năm tiếp theo cũng như phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015.

Theo đánh giá chung tại phiên họp, thực hiện quyết liệt NQ 11 của Chính phủ, đến thời điểm này, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực và dần đi vào ổn định. Rõ nhất là lạm phát được kiềm chế giảm dần, riêng tháng 8 lạm phát tăng dưới 1%, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Cùng với kiểm soát tỷ giá ổn định, thặng dự cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ thì lãi suất cũng đã bắt đầu giảm…

Các thành viên Chính phủ đánh giá đây là cơ sở để tiếp tục phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 6% trong cả năm nay, còn lạm phát cố gắng giữ ở mức khoảng 18%. Tuy nhiên để đạt được điều này không hề đơn giản. Bởi về khách quan, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, còn chủ quan vẫn còn nhiều bất cập ngay trong quản lý, chỉ đạo và điều hành cũng như khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện NQ 11…

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng gấp 3 lần kế hoạch còn nhập siêu kiểm soát chỉ bằng hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cách tính xuất siêu và nhập siêu hiện nay không còn phù hợp. Dẫn chứng tháng 7 do xuất khẩu vàng với khối lượng lớn nên Việt Nam xuất siêu đến 1 tỷ USD nhưng đến tháng 8 chúng ta nhập khẩu lại vàng xấp xỉ 800 triệu USD nên quay trở lại tình trạng nhập siêu, bộ trưởng đề nghị không nên đưa tình hình xuất nhập khẩu vàng vào trong thống kê nhập siêu, xuất siêu vì nó phản ánh không chính xác bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta ….

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường bất động sản hiện còn rất nhiều bất cập trong quản lý. Nổi rõ là cơ cấu sản phẩm bất động sản rất bất hợp lý. Sản phẩm cao cấp thì rất nhiều trong khi nhu cầu sử dụng thì ít, còn sản phẩm phổ thông, nhất là sản phẩm cho người thu nhập thấp thì rất là ít.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng phân tích thực trạng không kiểm soát được thị trường bất động sản. “Mặc dù phát triển đô thị thời gian qua đã đem lại diện mạo mới khang trang, hiện đại nhưng chúng ta khó kiểm soát vì vừa rồi chúng ta quản lý phát triển đô thị ngược, quản lý bằng dự án, tức là các khu đô thị mới rồi lắp ghép lại chứ không phải từ quy hoạch, rồi phân khu vực phát triển để kiểm soát tiến độ, lộ trình thực hiện dự án theo quy hoạch, theo mức độ tăng trưởng kinh tế, dân cư và tự nhiên…” 

Cùng với phân tích trái phiếu Chính phủ là thước đo cho thị trường vốn, nhẽ ra đây là một nguồn lớn để huy động vốn trên thị trường vì gần như không có rủi ro, nhưng nghịch lý lại hầu như chẳng ai mua bán ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn phân tích thực trạng hệ thống ngân hàng bao nhiêu vốn của nền kinh tế cũng sẵn sàng huy động, đẩy lãi suất huy động vốn lên cao nên lãi suất cho vay cũng rất cao. Nhẽ ra ngân hàng là kênh tiếp nhận vốn tạm thời nhàn rồi nhưng thực tế lại là kênh đầu tư của nền kinh tế đối với cả doanh nghiệp và người dân. Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì sẽ không thể tạo ra sự cân đối vốn giữa thị trường vốn và thị trường chứng khoán….Thống đốc nhận định.

Một vấn đề mà tất cả các thành viên Chính phủ cùng quan tâm, đó là phải xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh lạm phát thì nông nghiệp càng phải được chú trọng vì đây là một trong những nền tảng cơ bản đảm bảo sự ổn định. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo mạnh mẽ hơn đối với phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, dành nguồn tín dụng thỏa đáng cho lĩnh vực này…

Các thành viên Chính phủ cùng khẳng định phải tiếp tục thực hiện quyết liệt NQ 11 của Chính phủ, đồng thời kiến nghị tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước trong lưu thông, phân phối hàng hóa; xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gắn liền với tăng cường kiểm soát doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cắt giảm đầu tư công nhưng cần xem xét một cách linh hoạt đối với các dự án cấp bách sắp hoàn thành; không cân đối nguồn lực hàng năm cho các dự án mà làm theo kế hoạch cả 5 năm hoặc cả đời dự án; chủ động cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời cho báo chí; nâng cao chất lượng công tác dự báo của từng ngành và lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ nhằm hoàn thiện các báo cáo về kinh tế xã hội để trình Trung ương và Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung phân tích làm rõ căn nguyên của lạm phát tăng cao để tiếp tục bàn các giải pháp nhằm khắc phục ngay trong năm tới.

Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm tiếp tục thực hiện NQ 11 từ mục tiêu cho đến các giải pháp. Thủ tướng lưu ý điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả. Dù có chỉ đạo giảm dần lãi suất theo xu thế giảm giá nhưng vẫn phải thực hiện tăng trưởng tín dụng không quá 20%, đồng thời đưa tín dụng vào khu vực sản xuất để đạt mục tiêu kép, vừa kiềm chế lạm phát, vừa đạt tăng trưởng khoảng 6 % trong năm nay…

Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt thực hiện giảm bộ chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP; tiếp tục kéo giảm lãi suất và thực hiện tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên; thu hồi các nguồn vốn bố trí sai mục đích để chuyển vào công trình cấp bách, sắp hoàn thành, nhất là các công trình điện. Các bộ, ngành, địa phương tập trung đảm bảo cân đối đủ các hàng hóa thiết yếu gắn với tăng cường kiểm soát giá cả thị trường không để đầu cơ, sốt giá, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm; chỉ đạo sâu sát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; điều hành giá xăng dầu theo sát thị trường; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, trong đó chú ý đến người nghèo, phát triển y tế, giáo dục và phòng chống thiên tai cuối năm; tăng cường bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội...

Thủ tướng cũng yêu cầu từng thành viên Chính phủ khẩn trương kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy, trong đó hết sức quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế điều hành, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhất là chấn chỉnh phân cấp, vừa phát huy sự năng động sáng tạo của địa phương, vừa nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý thống nhất của trung ương; tăng cường công tác thanh kiểm tra, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, định hướng đúng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội….

Trước những bất cập trong lĩnh vực khai thác, thăm dò khoáng sản, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc và yêu cầu các bộ, ngành liên quan chấn chỉnh ngay công tác cấp phép theo hướng cả trung ương và địa phương phải được hội đồng thẩm định rồi báo cáo Thủ tướng đồng ý chủ trương mới được cấp phép, cấp phép phải gắn với dự án khả thi và phù hợp với quy hoạch. “Chúng ta làm thì phải có hiệu quả mà chưa có hiệu quả thì khoan hay làm để con cháu chúng ta sau này làm” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về định hướng phát triển năm 2012 tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó phấn đấu có thể đạt tăng trưởng khoảng 6,5%, kéo giảm lạm phát xuống dưới 10%...

Thủ tướng cũng đồng tình với các thành viên Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015 không điều chỉnh mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu. Đồng thời yêu cầu rà soát lại 16 chương trình mục tiêu quốc gia gia đoạn 2012-2016 theo hướng giảm bớt và thu hẹp phạm vi, đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, lồng ghép có hiệu quả và tránh sự trùng dẫm...

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo, cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên