Ra Nghị định đầu tư trung hạn, hết đầu tư dàn trải?
Dự thảo Nghị định này vừa được Bộ KHĐT đưa ra góp ý, với kỳ vọng sẽ khắc phục được căn bệnh đầu tư dàn trải.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) vừa họp góp ý cho dự thảo lần thứ nhất Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn. Đây được coi là bước tiến trong công việc đổi mới công tác kế hoạch, khắc phục được tình trạng “ăn đong” của công tác kế hoạch bấy lâu nay.
Phải trình xong Nghị định trong năm 2012
Lâu nay, đầu tư công tại Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó bệnh đầu tư dàn trải dẫn đến tiêu tốn nhiều ngân sách nhưng hiệu quả đầu tư không cao. Do đó, ý tưởng của Bộ KHĐT về xây dựng Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn được sự đồng thuận rất cao của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, “mục tiêu quan trọng nhất của Nghị định là nhằm khắc phục bệnh đầu tư dàn trải”.
Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng đầu tư không hiệu quả |
Bởi vì, Bộ trưởng cho rằng, khi có Nghị định này, các địa phương, các bộ, ngành biết số vốn trung hạn của mình là bao nhiêu để họ chủ động phân bổ. Đặc biệt là quy định thêm những chế tài trách nhiệm sẽ góp phần giảm bớt sự bổ trí tùy tiện.
“Nghị định này không những cần thiết cho các bộ, ngành và địa phương mà còn tốt cho chính Bộ KHĐT, cơ quan chịu trách nhiệm chính về xây dựng, lập kế hoạch kinh tế-xã hội chung cho quốc gia”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu, cần làm khẩn trương Nghị định này, “chúng ta không thể lùi, dứt khoát phải làm và làm cho được. Trong năm 2012 phải làm trình xong Nghị định trung hạn này”.
Hướng đi khác trong trong quản lý đầu tư
Theo Bộ trưởng Vinh, việc cấp vốn hằng năm phải rất linh động cho cái gì phải ứng trước, khoản nào ứng sau. Vì thế, phải lường trước những rắc rối trong thực tế để đưa ra những quy định mềm dẻo, tạo sự chủ động cho cơ quan thực hiện.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý: “sự chủ động sẽ thành vô nghĩa khi chúng ta đặt ra một cái khung be bé. Chúng ta phải có tổng mức rồi chia xuống ngành, địa phương. Nếu chia nát như Chương trình mục tiêu quốc gia thì không thể làm được, và cũng không thể có hiệu quả”.
Còn Thứ trưởng Bộ KHĐT Cao Viết Sinh cho biết: Nghị định này là một hướng đi khác cần phải đi trong công tác quản lý đầu tư hiện nay. Do đó nó cần tạo sự chủ động cho các địa phương, bộ ngành, rà soát chủ trương đầu tư, đồng thời tạo điều kiện phân cấp tốt hơn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị sửa đổi những nội dung sau: Thứ nhất, về quy định chung: đối với việc giải thích từ ngữ, khái niệm nào được dùng trong Nghị định thì đưa vào, còn những từ ngữ, khái niệm nào không sử dụng đến thì loại ra. Những khái niệm mới như “kết quả đầu ra” (tại Khoản 3, Điều 4, Chương I) cần được giải thích rõ ràng. Điều này giúp tránh những ý kiến phản ứng khi đưa dự thảo Nghị định trình lên Chính phủ.
Thứ hai, về phân loại kế hoạch Đầu tư trung hạn chưa rõ, nên sắp xếp lại. Cũng cần xem xét, có sự phân biệt hai kế hoạch trung hạn và hằng năm.
Thứ ba, làm rõ lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan. Quốc hội sẽ phê duyệt cái gì? Cơ quan Bộ KHĐT, Bộ Tài chính sẽ có vai trò gì? Còn ở địa phương, chỉ cần đưa tiêu chí để họ làm như thế nào? Chế tài ra sao?
Phải tránh tình trạng “thắt” quá chặt…
Băn khoăn về một số nội dung nêu ra trong Nghị định, Thứ trưởng Cao Viết sinh nhấn mạnh: “Chúng ta đã đưa ra những quy định gì, thì phải làm được, không được đưa ra để đấy, hoặc không thể triển khai”.
Bởi vì, dưới hình thức là văn bản dưới luật, Nghị định này sẽ có những thuận lợi như có thể quy định thật cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan, cũng như cách thực hiện.
Còn theo Bộ trưởng Vinh, “chúng ta không nên ôm đồm quá nhiều, trong khi khả năng hạn chế. Do đó, cần xác định những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, từ đó xác định thẩm quyền, nhiệm vụ, vai trò của địa phương và các đơn vị có liên quan. Tránh chuyện địa phương làm sai, Bộ KHĐT chịu trách nhiệm”.
Chỉ ra cụ thể hơn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp Đào Quang Thu cho rằng, việc quy định lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn phải tránh tình trạng “Trung ương ôm đồm quá nhiều, thắt quá chặt khiến địa phương không thể nhúc nhích.”
Theo ông Thu, Trung ương chỉ xây dựng kế hoạch đầu tư cấp quốc gia, còn cấp địa phương thì nên giao cho Hội đồng nhân dân quyết định. Chúng ta chỉ cần xây dựng những tiêu chí cụ thể của các dự án được đưa vào nội dung đầu tư trung hạn như: dự án có quy mô ra sao? đảm bảo cân đối vốn thế nào? Với những dự án có đa nguồn vốn thì phải chứng minh các nguồn vốn còn lại phải được đảm bảo. Thời gian thực hiện dự án ra sao? Hoặc thêm cơ chế giám sát là phải qua Bộ KHĐT, Bộ Tài chính hoặc một số bộ lớn phê duyệt.
Đồng thời, ông Thu góp ý: Nghị định cũng nên bỏ cơ chế thẩm định vốn, bởi đã có kế hoạch đầu tư trung hạn rồi. Hơn nữa, cũng nên có quy định về điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn. Theo đó, cấp nào phê duyệt thì cấp đó có quyền điều chỉnh…./.