Rào cản điều kiện kinh doanh kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp
VOV.VN - Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là khá cao (100.000/113.000) cho thấy, thực tế khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Những quy định về điều kiện kinh doanh đang là một yếu tố gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cần được nhận diện và tháo bỏ.
Đó là ý kiến của các Hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia tại Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (6/7), tại Hà Nội.
Theo phản ánh thực tế của doanh nghiệp, những rào cản về điều kiện, môi trường kinh doanh không chỉ cản trở sự phát triển của doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực thi. Trong đó, vướng mắc nhiều nhất thuộc về các lĩnh vực xây dựng, môi trường, xăng dầu, an ninh trật tự và lĩnh vực vận tải.
Về mặt số lượng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện có giảm trong những năm qua, nhưng lại dẫn chiếu đến các quy định khác, nên việc cắt giảm chưa khẳng định được là thực chất. Có những điều kiện kinh doanh cắt giảm ở nơi này, nhưng lại dẫn chiếu đến nơi khác, phức tạp hơn. Ví dụ như: ngành nghề kinh doanh bất động sản (chỉ một ngành nghề), nhưng lại có 9 ngành nghề bên trong. Không chỉ tại các bộ, ngành mà ở nhiều địa phương, tình trạng trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính vẫn đang là vấn đề nhức nhối.
“Quy trình thủ tục tại địa phương kéo dài. Mặc dù giấy tờ các nhà đầu tư đã nộp đủ nhưng nhiều địa phương không ra quyết định. Việc kéo dài thời gian cấp phép ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam vì nhiều doanh nghiệp có vốn sẵn, chỉ chờ cấp phép là thực hiện dự án nhưng thời gian chờ đợi quá dài”, bà Nguyễn Cẩm Vân, Trưởng văn phòng đại diện Hà Nội, Hiệp hội các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) nêu thực tế.
Qua rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực cho thấy, chất lượng điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được cải thiện. Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành khoảng 40 văn bản chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh đến cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Mặc dù vậy, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở một số ngành nghề còn chậm, thậm chí không có chuyển biến. Văn bản hướng dẫn chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp là hiện tượng phổ biến nhất trong thời gian qua. Vấn đề về thuế và đất đai được các doanh nghiệp phản ánh có nhiều bất cập nhất.
“Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì giảm nhưng nội hàm của ngành nghề lại mở rộng hơn, bao trùm hơn. Đi cùng với đó là các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kèm theo. Qua khảo sát, cho thấy một số bộ, ngành tiếp tục ban hành và thực thi các điều kiện kinh doanh với mức độ chặt chẽ hơn. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế”, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư lo ngại.
Theo phân tích của các đại biểu, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là yêu cầu cấp bách, được xem như một gói hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Để thực hiện việc này, cần có cơ chế, chính sách cụ thể; phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng cho các đơn vị, địa phương để tránh tình trạng sở nào, ngành nào cũng có quyền đưa ra quy định và có quyền thanh tra, kiểm tra, gây khó cho doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị nên mở một cuộc điều tra từ doanh nghiệp để phát hiện thêm và xác định các giấy phép con và các điều kiện kinh doanh. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử nên có rất nhiều lĩnh vực có thể dùng kinh tế số để giám sát được, tiến tới xác định rõ các điều kiện kinh doanh và giảm bớt các thủ tục cho doanh nghiệp”, Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Ngày 3/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (QĐKD) đang còn hiệu lực và dự kiến ban hành có nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện hoặc tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hoá QĐKD thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trước ngày 30/9/2023. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét, xử lý kịp thời dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.