Rào cản đối với Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam

Những rào cản này bao gồm: Chính sách của Nhà nước, động lực của cơ sở sản xuất, rào cản về kỹ thuật và rào cản về quản lý.

Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu phổ biến rộng rãi công cụ này vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất công nghiệp, đồng thời giảm thiểu chất thải và tác động của các cơ sở sản xuất đến môi trường và sức khỏe con người.

Sản xuất sạch hơn đã chứng tỏ được lợi ích nhưng vẫn chưa được nhân rộng (Ảnh minh hoạ)
Sản xuất sạch hơn đã được phổ biến tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước bằng sự thành lập của Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam và nỗ lực của nhiều nhà tài trợ như Thụy Ðiển, Canada, Ðan Mạch... Tuy đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng mức độ lan tỏa của Sản xuất sạch hơn đã không được như mong muốn.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này. Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, đang có những yếu tố được coi là rào cản của Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam. Những rào cản này có thể được phân thành 4 loại hình chính: Chính sách của Nhà nước, động lực của cơ sở sản xuất, rào cản về kỹ thuật và rào cản về quản lý.

Trong đó, loại hình rào cản được chú ý nhiều đó là rào cản mang tính quản lý, bao gồm: văn hóa doanh nghiệp, sự phù hợp của Sản xuất sạch hơn đối với phương thức quản lý của Việt Nam, và  kỹ năng quản lý của các chủ doanh nghiệp.

Một cuộc điều tra để xác định đây có thật sự là rào cản và nếu là rào cản thì cần phải có những giải pháp gì để khắc phục đã được tiến hành. Kết quả điều tra cho thấy, để khắc phục được rào cản này, nhà quản lý cần phải kết hợp giải pháp tăng áp lực từ cơ quan quản lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền về lợi ích của Sản xuất sạch hơn không chỉ trên phương diện môi trường mà quan trọng hơn đó là lợi ích kinh tế đối với doanh nghiệp khi áp dụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên