Rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới
VOV.VN - VN-Index chưa thể bứt phá khỏi vùng tích luỹ 1.060 – 1.070 điểm. Kết hợp với các chỉ báo ngắn hạn RSI và Stochastic hướng xuống cho thấy trạng thái giằng co biên độ hẹp nhiều khả năng tiếp diễn trong các phiên sắp tới.
Trạng thái giằng co biên độ hẹp nhiều khả năng tiếp diễn
VN-Index đầu phiên 24/5 tăng điểm lên vùng 1.070 điểm và tiếp tục chịu áp lực bán, điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.060 điểm. Kết phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index giảm 4,06 điểm (-0,38%) về mức 1.061,79 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh. HNX-Index tích cực hơn tăng 0,17 điểm (0,08%) lên mức 215,96 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực khi có tổng cộng 306 mã giảm điểm (8 mã giảm sàn), 243 mã tăng điểm (23 mã tăng trần) và 122 mã giữ giá tham chiếu. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 15.267 tỷ đồng, tăng so với phiên trước và duy trì vượt mức trung bình cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển tốt mặc dù nhiều mã đang chịu áp lực bán mạnh hơn.
Thông tin hỗ trợ thị trường trong phiên 24/5 là việc Ngân hàng Nhà nước thông báo 2 quyết định có hiệu lực từ ngày 25/5. Thị trường phản ứng tích cực trong đầu phiên nhưng sau đó áp lực điều chỉnh gia tăng dần với ảnh hưởng từ nhóm ngân hàng khi đa số giảm điểm như: STB (-1,97%), TCB (-1,81%), VIB (-1,41%), LPB (-1,07%)... Nhóm cổ phiếu thép cũng chịu áp lực điều chỉnh giảm điểm với thanh khoản ở mức trung bình. Trong khi nhóm xây dựng, đầu tư công lại có diễn biến tích cực hơn khi đa số tăng điểm, thanh khoản duy trì ở mức cao với: C47 (+3,66%), LCG (+3,09%), CII (+2,46%), KSB (+2,32%)... Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa với nhiều mã vẫn duy trì tăng giá tốt với: NHA (+6,92%), TDC (+6,84%), ITC (+3,80%), VHM (+1,49%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản dưới trung bình như: HDG (-1,71%), NLG (-1,38%), CEO (-0,77%)...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đa số lại có diễn biến tích cực nổi bật nhất trong thị trường trước thông tin hạ lãi suất với nhiều mã tăng giá mạnh hướng đến vùng giá cao nhất tháng 8/2022 như: BSI (+6,99%), CTS (+6,15%), FTS (+5,76%), AGR (+4,82%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như: VND (-2,13%), HCM (-1,31%), SSI (-0,66%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agiseco), trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index chưa thể bứt phá khỏi vùng tích luỹ 1.060 – 1.070 điểm. Kết hợp với các chỉ báo ngắn hạn RSI và Stochastic hướng xuống cho thấy trạng thái giằng co biên độ hẹp nhiều khả năng tiếp diễn trong các phiên sắp tới.
“Giai đoạn thị trường sideway nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược mua tại hỗ trợ và bán tại kháng cự. Một số nhóm nhà đầu tư có thể giải ngân mới bao gồm nhiệt điện, công nghệ, chăn nuôi và dầu khí nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 có thể tăng trưởng tốt so cùng kỳ năm ngoái”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.
VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.055 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ tiếp điều chỉnh trong phiên hôm nay 25/5 và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.055 điểm). Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn có dấu hiệu gia tăng nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới trong giai đoạn này và thị trường có thể sẽ chững lại đà tăng trong ngắn hạn, đồ thị giá của các chỉ số chính có thể sẽ biến động hẹp với thanh khoản thấp trong vài phiên tới. Chỉ số VNSmallcaps tiếp tục đà tăng ngắn hạn nhưng đồ thị giá của chỉ số này vẫn đang giao dịch gần vùng kháng cự cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và hạn chế mua mới trong giai đoạn này hoặc có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng với các cổ phiếu đã có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian qua”, chuyên gia của YSVN nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm về quanh khu vực 1.060. Xét về khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang giao dịch trong biên độ hẹp quanh vùng điểm 1.060 – 1.070. Xu hướng tích lũy trên MA20 và dần đi ra khỏi mây ichimoku hiện tại của thị trường vẫn được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo RSI và MACD vẫn đang hướng xuống cho thấy việc rung lắc, tăng giảm đan xen vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trước khi bước vào nhịp tăng mới.
“Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu, bám sát thị trường, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để giải ngân gia tăng tỉ trọng đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục và đang thu hút được lực cầu tốt như chứng khoán, dầu khí”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.