Rủi ro nợ công đang tăng nhanh và áp lực “tốt nghiệp IDA”
VOV.VN -Rủi ro về nợ công và tốt nghiệp IDA là các vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập trong buổi họp báo của WB vừa diễn ra.
Tại buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 2/12, rủi ro về nợ công và “tốt nghiệp IDA” là vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập. Tốt nghiệp IDA là cách gọi để chỉ việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (Word Bank) đối với Việt Nam.
Nợ công đang tiến nhanh đến mức trần cho phép 65% GDP
Theo đánh giá của WB, nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh trong vài năm gần đây. Tuy tình hình tài khoá của Việt Nam bị biến động theo chu kì nhưng mức độ thâm hụt lớn đã gây quan ngại về bền vững tài khoá trung hạn và nợ công.
Chỉ số nợ công tính theo % GDP Việt Nam (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng nợ công của Việt Nam (nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương) đã tăng mạnh từ mức 51,7% năm 2010 lên khoảng 61,3% GDP năm 2015. Trong số này, nợ trực tiếp của chính phủ trung ương chiếm 48,9% GDP, nợ do chính phủ trung ương bảo lãnh chiếm 11,4% GDP và nợ của chính quyền các tỉnh chiếm trên dưới 1% GDP.
“Tổng nợ công đang nhanh chóng tiến tới mức trần cho phép 65% GDP. Hiện nay, các nhà tài trợ đang dần dần rút khỏi Việt Nam làm cho nguồn vốn ưu đãi bên ngoài cũng giảm theo, vì vậy chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng”- ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của WB nhận định.
Theo ông Sebastian Eckardt, dựa nhiều hơn vào các nguồn vay trong nước sẽ giảm bớt rủi ro tỉ giá nhưng lãi suất vay lại bị tăng và thời hạn vay các khoản nợ công bị rút ngắn. Tỉ trọng nợ trong nước so với tổng nợ công đã tăng từ 45% năm 2010 lên 53% năm 2014. Nguồn vốn dài hạn khá hạn chế, thể hiện thực tế rằng thị trường vốn nội địa chưa phát triển và có ít người tham gia, chủ yếu là các ngân hàng.
Vì vậy, WB đánh giá: “đảm bảo trả nợ sẽ là một gánh nặng đối với ngân sách”. Bởi vì tỉ trọng chi trả lãi trong GDP và chi của chính phủ đã tăng mạnh. Thực tế, trong năm 2014, Chính phủ đã chi khoảng 8% tổng thu (kể cả thu viện trợ) vào việc trả lãi (năm 2010 là 4,3%) và vì vậy đã ảnh hưởng tới các khoản chi phát triển sản xuất và đầu tư. Tổng nghĩa vụ trả nợ, kể cả trả nợ gốc, đã chiếm trên ¼ tổng thu của chính phủ trong năm 2014, làm cho các rủi ro về tái cấp vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, chi trả nợ và viện trợ 11 tháng đầu năm nay là 142.400 tỷ đồng, bằng 95% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2014. Nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đặt ra là sẽ phân tích, đánh giá cơ cấu nợ công và chi phí trả nợ; nghiên cứu phát hành trái phiếu quốc tế vào đầu 2016 phù hợp thời điểm thị trường thuận lợi với chi phí vốn hợp lý.
WB cho rằng, bội chi ngân sách của nước ta dự kiến sẽ vẫn cao trong năm nay nhưng sẽ được điều chỉnh dần bởi các biện pháp thắt chặt nhằm tránh tăng nợ công. Nợ công vẫn ở mức bền vững nhưng phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện chương trình thắt chặt tài khoá và các rủi ro khác.
Hơn nữa, dù được đánh giá triển vọng tích cực nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất lợi. Do khoảng đệm chính sách còn hạn chế nên các cú sốc bên ngoài và trong nước có thể ảnh hưởng lên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, theo WB, một số rủi ro tài khoá đáng kể, và nếu chậm thực hiện chương trình thắt chặt tài khoá thì mức độ bền vững nợ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các rủi ro tài khoá còn trở nên trầm trọng hơn bởi trách nhiệm trả nợ liên đới liên quan đến các món nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước.
Tốt nghiệp khoản vay IDA, Việt Nam cần tăng tín nhiệm tín dụng quốc tế
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ trong nước và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam "tốt nghiệp" IDA, con số lên tới 16 tỷ USD.
Đề cập đến nội dung này, ông Sandeep, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, cho biết: Việc Việt Nam tốt nghiệp IDA là một sự kiện rất quan trọng và đã được kỳ vọng từ mấy năm nay. Việt Nam lẽ ra đã tốt nghiệp từ kỳ trước của IDA, tuy nhiên đã được kéo dài bởi vì phía quản lý của IDA cho rằng, Việt Nam vẫn cần được hưởng các khoản vay ưu đãi.
Đến thời điểm này, các điều khoản “tốt nghiệp IDA” vẫn chưa được chốt giữa Chính phủ Việt Nam và IDA. Ông Sandeep cho hay, việc “tốt nghiệp IDA” có thể sẽ được thực hiện một cách dần dần hoặc đột ngột còn tùy thuộc vào việc đám phám các điều khoản trên.
Trong thực tế, có những lo ngại khi dừng IDA có thể xảy ra cú sốc về tài chính đối với nước ta, nhưng ông Sandeep cho biết, không quá lo lắng về điều đó. Vì khi đó, Việt Nam có thể chuyển từ vay IDA của WB với mức lãi suất bằng 0% cộng với phí dịch vụ sang vay từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD), cũng là một đơn vị trực thuộc WB. Nguồn vay mới này lãi suất cao hơn vay IDA nhưng thấp hơn nhiều so với vay trực tiếp từ thị trường. Tuy nhiên, tốc độ trả nợ sẽ phải tăng.
Dù sao, theo ông Sandeep, “tốt nghiệp IDA” là một việc tốt, bởi các nước khi chuyển từ các nước có thu nhập thấp lên các nước có thu nhập trung bình đều phải trải qua quá trình này (ví dụ như Ấn Độ hay Trung Quốc), thể hiện sự thành công của nền kinh tế. Việt Nam cần tăng mức độ tín nhiệm của mình để tham gia thị trường vốn quốc tế trên cơ sở hoàn thiện khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô mang tính nhất quán và bền vững./.