Rủi ro từ đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ

Cùng với biến động giá USD, dư luận đặc biệt quan tâm tới dư nợ ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng tăng mạnh, gấp cả chục lần so với dư nợ nội tệ.

Điều bất thường này đang được nhiều chuyên gia cảnh báo về những rủi ro trong các tháng cuối năm nếu không có biện pháp can thiệp từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh

Trong vài tuần trở lại đây, bất ngờ các doanh nghiệp đổ xô đi vay ngoại tệ khiến cung tín dụng của ngân hàng tăng vọt. Nếu tính chung thì tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong nửa đầu năm nay gấp chục lần so với tín dụng của tiền đồng.

Giao dịch USD tính theo đơn vị tuần của NHNN ghi nhận sự biến động khá mạnh. Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết 20/6, trong khi tín dụng VND chỉ tăng 2,67%, thì tín dụng ngoại tệ lại tăng tới hơn 23% so với năm 2010. Mức chênh lệch tín dụng ngoại tệ và nội tệ tới hơn 10 lần. Tại TP. HCM, con số cung tín dụng còn lớn hơn khi dư nợ ngoại tệ tăng tới 32,6% còn dư nợ VND chỉ tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2010. Còn tại Hà Nội, tính đến ngày 30/6, dư nợ quy đổi của tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 555.280 tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối tháng 5/2011, tăng gần 8,9% so với cuối 2010 và tăng 27,7% so với cùng kỳ 2010. Đặc biệt, tốc độ tăng dư nợ tiền đồng chỉ dừng ở mức 5,2%, dư nợ ngoại tệ tăng tới 17,25%.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, con số chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ 6 tháng đầu năm nay chênh tới 85.000 tỉ đồng (quy đổi), trong khi con số chênh của năm ngoái chỉ 41.000 tỉ đồng (quy đổi). TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, điều này chắc chắn sẽ gây áp lực đối với tỉ giá cuối năm nay.

Áp lực tỉ giá cuối năm

Theo giám đốc kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, lý do chính dẫn tới sự chênh lệch trên xuất phát từ sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thời gian qua quá lớn. Lãi suất VND mà các doanh nghiệp đang phải vay hiện nay ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ 18-21%/năm, phi sản xuất 22-25%/năm, trong khi lãi suất USD chỉ dao động 6-7,5%/năm ngắn hạn và 7,5-8%/năm trung, dài hạn. Việc dự báo tỉ giá tiếp tục ổn định cũng khuyến khích các doanh nghiệp vay USD do bớt lo ngại biến động vào cuối năm.

Ông Lê Xuân Nghĩa phân tích, khi doanh nghiệp vay ngoại tệ từ ngân hàng thì ngoại tệ từ tài khoản của ngân hàng được chuyển sang tài khoản của doanh nghiệp để bán ra (nhiều trường hợp là phải cam kết bán lại cho ngân hàng). Chính vì thế, cung ngoại tệ thời điểm này dồi dào nhưng chỉ là cung ảo. Cung ảo thể hiện rất rõ ở chỗ, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới 23% trong khi tăng trưởng tín dụng nội tệ chỉ có 3%. Đến lúc đáo hạn, "cung ảo" này sẽ trở thành "cầu thực" vì doanh nghiệp phải mua ngoại tệ ngoài thị trường để trả nợ cho ngân hàng. Đến thời điểm đồng loạt các khoản vay đáo hạn, cộng với những khan hiếm của ngoại tệ như xảy ra trục trặc nhất định nào đó của thị trường xuất khẩu có thể làm cho thị trường hối đoái căng thẳng.

Thêm vào đó, một nguyên nhân có tính kinh điển là lạm phát của Việt Nam cao hơn của Mỹ. Như vậy có nghĩa là VND được định giá cao hơn so với tỉ giá thực. Do đó, kỳ vọng phá giá VND vẫn còn. “Đấy là rủi ro mà chúng ta cần cảnh giác. Và với rủi ro này, chúng tôi cũng sẽ báo động với Chính phủ và Trung ương đưa ra cách xử lý ngay từ bây giờ để cuối năm không xảy ra tình trạng trên” - TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Các biện pháp được chuyên gia này đề cập để kiến nghị như tới đây NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống đôla hóa như giảm tỉ lệ trạng thái ngoại hối của các NH xuống còn 20%; đồng thời, rất có thể sẽ tăng tỉ lệ dự trữ ngoại tệ lên. Đi đôi với đó là tăng cung ứng giúp VND không quá khan hiếm như hiện nay để giữ tỉ giá ổn định cuối năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên