Run tay với vàng cám
Vàng cám thường được các tiệm vàng nhỏ lẻ mua để chế tác nữ trang từ nguồn trôi nổi trong nước, hoặc từ Trung Quốc, Campuchia... tuồn vào.
Sau vụ việc tiệm vàng Ngọc Phát tại TP Biên Hòa - Đồng Nai vừa bị nhóm người Trung Quốc lừa bán lô vàng cám giả 58 kg với giá 10 tỷ đồng, nhiều tiệm vàng hiện nay đang cảm thấy rất lo lắng.
Một chủ tiệm vàng lớn gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, từ khi có Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, phần lớn doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ lẻ đều không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, dẫn đến tình trạng mua lén lút vàng trôi nổi trên thị trường và dễ gặp rủi ro.
Theo đó, vàng nguyên liệu được các tiệm vàng thường sử dụng là vàng sa khoáng (vàng lẫn tạp chất) và thể hiện dưới hai loại là vàng cám và vàng hạt. Trong đó, vàng cám chưa qua tinh chế, còn vàng hạt là vàng cám đã qua giai đoạn tinh chế, sau đó cô đặc lại thành hạt.
Với vàng hạt, các doanh nghiệp đầu mối thường chọn vàng của Thuỵ Sĩ, nhưng nguồn nhập lại chủ yếu từ Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc). "Còn với vàng cám, họ hay lấy từ các nguồn trong nước, do các phu vàng đãi được hoặc từ các công ty khai thác vàng... Một số được lấy từ nguồn phi chính thức ở Trung Quốc, Campuchia... tuồn vào. Sau đó, các đầu mối này đi phân phối lại cho các tiệm vàng nhỏ khác", ông nói.
Nhiều tiệm vàng hiện nay vẫn mua vàng nguyên liệu dưới dạng vàng cám chưa qua tinh chế. |
Về giá cả, chủ tiệm vàng này cho biết tuỳ theo loại vàng cám có chứa hàm lượng vàng nguyên chất bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu (sau đó trừ thêm các chi phí tinh chế thành vàng hạt...). Thông thường vàng cám có tỷ lệ vàng nguyên chất tầm 90-99%. Theo đó, số tiền mua vào sẽ được tính bằng cách lấy giá vàng nguyên liệu bốn số 9 trên thị trường nhân với tỷ lệ tương ứng của vàng cám. Trên thực tế, giá sẽ được thoả thuận thấp hơn để phòng ngừa rủi ro về độ tạp chất và công tinh chế.
Với trường hợp tiệm vàng tại Đồng Nai bị lừa mới đây, vị chủ tiệm vàng nhiều kinh nghiệm này cho rằng mức giá mua bán 10 tỷ đồng cho 58kg vàng cám (trường hợp không bị giả) là bất thường. Bởi căn cứ vào giá vàng nguyên liệu bốn số 9 trên thị trường hiện hơn 29 triệu đồng một lượng (một kg vàng bằng 26,455 lượng, tức khoảng 760 triệu đồng), thì 58 kg vàng bốn số 9 phải có giá gần 45 tỷ đồng.
"Nhưng số tiền mua bán cho số vàng cám trên chỉ 10 tỷ đồng, không lẽ vàng cám này có hàm lượng vàng nguyên chất thấp đến mức chưa tới 23%?", ông đặt dấu hỏi và cho biết thêm, thật ra vàng cám cũng không phổ biến trên thị trường. Sau những sự việc trên, tiệm vàng ông sẽ cẩn trọng hơn.
Để kiểm tra chất lượng vàng thật hay giả, chủ một tiệm vàng trên đường Lê Lợi, quận 1 cho biết, thông thường có ba cách. Đầu tiên là nấu chảy vàng ra, sau đó dùng máy quang phổ để đo (cách này được xem là chính xác nhất hiện nay). Máy đo quang phổ vừa cho biết kết quả vàng thật giả, vừa giúp phân loại ra bao nhiêu % là vàng, bao nhiêu là các tạp chất khác như đồng, chì...
Trường hợp không có máy quang phổ thì các tiệm vàng áp dụng hai hình thức sau là dùng các máy thử vi tính đơn giản hoặc dựa vào kinh nghiệm. Việc dựa vào kinh nghiệp tức là lấy vàng đi nấu chảy. Trong quá trình nấu, thấy vàng lâu nóng chảy hơn bình thường, hoặc khi nấu chảy ra, bề mặt của vàng sẽ sần sùi, có nhiều loại hạt thì chắc chắn vàng này có vấn đề.
"Những loại vàng này trước đây được mua với giá rất thấp, nhưng với tình hình hiện nay khi mà loại vàng giả từ Trung Quốc xuất hiện trên thị trường và có thể qua mặt được tất cả những biện pháp kiểm tra trên, thì các tiệm vàng sẽ từ chối mua luôn. Hiện nay, chúng tôi khi mua vàng nguyên liệu trôi nổi, nhất là vàng cám cũng cảm thấy run tay", ông nói.
Chủ một tiệm vàng tại Hà Nội cũng cho biết, cửa hàng ông thỉnh thoảng có mua vàng cám nhưng số lượng không nhiều. "Thường thì chúng tôi mua loại vàng sa khoáng đã qua tinh chế ban đầu", vị này cho hay.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp lớn như PNJ, DOJI hay SJC lâu nay đều không mua vàng cám mà chỉ sử dụng các loại vàng nguyên liệu, trong đó có vàng hạt đã qua tinh chế và cô đặc.
"Trước giờ chúng tôi chưa mua bán vàng cám trên thị trường mà chỉ mua vàng hạt để sản xuất nữ trang. Có chăng, vàng cám (bụi) chủ yếu được thu hồi trong quá trình sản xuất bị rơi vãi ra. Sau đó, số vàng cám này sẽ được phân kim và cô đặc lại để làm nguyên liệu cho sản xuất nữ trang", một đại diện DOJI chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cũng cho biết, trước đây, khi bị cấm nhập vàng thỏi thì các doanh nghiệp lớn trong nước có nhập vàng hạt để làm nguyên liệu sản xuất chứ không mua vàng cám. Riêng nguồn trong nước, PNJ từng ký hợp đồng với Công ty khai thác vàng Bồng Miêu mua vàng sa khoáng, đã qua tinh chế ban đầu để cô đọng lại thành hạt. Số vàng này sau đó lại được công ty tinh luyện lấy vàng nguyên chất phục vụ sản xuất nữ trang. "Bởi nếu để vàng bị lẫn tạp chất thì không thể chế tác nữ trang, tức sản phẩm sẽ bị bể", bà nói.
Tuy nhiên, dù là vàng gì, thì bà Cúc cho rằng cũng đều phải được kiểm tra chặt chẽ đầu vào. Theo đó, doanh nghiệp phải mang đi nấu thành thỏi (nếu nấu bằng lò trung tần thì chỉ tầm 2 giờ), sau đó cắt ra đo nhiều mặt bằng máy huỳnh quang tia X thì mới có kết quả chính xác.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cũng cho biết đang phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, công an để nắm tình hình và có biện pháp ngăn chặn vàng giả, vàng lậu.../.