Samsung tìm kiếm, nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ ở đâu?
VOV.VN - Số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung đến nay mới chiếm chưa đến 10%.
Việc kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với Samsung Electronic - Doanh nghiệp FDI đầu tư lớn nhất tại Việt Nam là một phần quan trọng trong mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Nhưng đến nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số các nhà cung ứng của Samsung.
Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh vẫn khẳng định, nền công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Công nghiệp hỗ trợ quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Samsung đề cao doanh nghiệp Việt Nam
Theo ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc khu tổ hợp Samsung, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 41 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Nếu tính chung các chi tiết sản phẩm do các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp nước ngoài) sản xuất tại Việt Nam cung cấp cho Samsung đã lên tới 36% tỷ lệ nội địa hóa.
Đại diện Samsung bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dây chuyển sản xuất của Samsung. Hiện Samsung đã thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp của Việt Nam và tạo ra được sự tin tưởng lẫn nhau trong sự hợp tác này. Thời gian tới, mối quan hệ giao dịch giữa Samsung và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng hơn nữa.
Ông Han Myoungsup đánh giá rằng, việc hợp tác trong giai đoạn đầu giữa Samsung với các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, Samsung mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam luôn có sự cố gắng, quyết tâm cùng Samsung trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp Việt Nam luôn có thể hợp tác với Samsung bắt đầu từ việc cung cấp những chi tiết sản phẩm nhỏ nhất, sau đó tiến dần lên với những chi tiết lớn, quan trọng. Điều này luôn mở ra cơ hội và không làm khó cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, với những tiêu chuẩn do Samsung đưa ra, để trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phụ trợ trong chuỗi sản xuất của Samsung, điều đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần phải có ý chí, ý định cũng như mong muốn tích cực tham gia vào quá trình này. Bên cạnh đó, để chiến lược công nghiệp hỗ trợ thành công rất cần sự chỉ đạo và định hướng của Chính phủ trong hoạch định chính sách cũng như tài chính.
Vẫn còn rất ít sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI. (Ảnh: Internet) |
Ông Han Myoungsup lấy dẫn chứng: Tại Hàn Quốc, chính phủ đã có những chính sách tích cực hỗ trợ công nghiệp phụ trợ từ rất sớm, cụ thể về mặt bằng sản xuất, các chính sách ưu đãi thuế hoặc như trong trường hợp doanh nghiệp thiếu vốn có thể được vay vốn với lãi suất thấp.
Để có thể đóng góp vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay, ông Han Myoungsup cho rằng, rất cần có sự hợp tác từ các doanh nghiệp toàn cầu như Samsung. Bằng việc giới thiệu các linh phụ kiện cần thiết của mình, Samsung mong muốn nhận được sự hợp tác và đáp ứng yêu cầu từ nhiều doanh nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, để nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Samsung luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp có thiện chí.
“Samsung sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho toàn thế giới. Chính vì thế, yếu tố chất lượng sản phẩm luôn được Samsung đặt lên hàng đầu và tiêu chuẩn chất lượng của Samsung rất cao. Samsung không thể bán ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, do đó các doanh nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cũng phải đảm bảo được tiêu chuẩn này”, ông Han Myoungsup nói rõ.
Kinh nghiệm để hợp tác thành công
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty HTMP chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong đó có Samsung cho biết, để trở thành nhà cung cấp số 1 cho Samsung phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Đầu tiên là năng lực về thiết bị; hệ thống quản lý chất lượng cũng như trình độ quản lý nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Samsung cũng kiểm tra kỹ lịch sử hoạt động của doanh nghiệp như việc đã từng cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho những doanh nghiệp nào? Khách hàng chính của doanh nghiệp có tiềm năng hay không… căn cứ vào đó Samsung sẽ có quyết định hợp tác với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long đánh giá, hiện nay hầu như các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cung cấp được các chi tiết bên ngoài cho các sản phẩm của Samsung mà chưa thể sản xuất các chi tiết bên trong. Tuy nhiên ông Ngọc cũng lạc quan rằng, để sản xuất những chi tiết đó không hề khó nếu có sự hợp tác chặt chẽ và được đầu tư trang bị, công nghệ thích hợp.
“Để đáp ứng những yêu cầu của phía đối tác FDI, cụ thể là Samsung, điều đầu tiên là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh thì các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu nhiều khi rất thất thường và đột biến về sản lượng, thời gian giao hàng từ phía Samsung. Ngoài ra, yếu tố đảm bảo môi trường cũng được Samsung đòi hỏi rất cao. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt được và vượt qua được những điều kiện này mới có thể hợp tác lâu dài với Samsung”, ông Ngọc cho biết.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang cần gì?
Những năm qua, Chính phủ đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng qua thực tế triển khai những chính sách pháp luật còn chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển đáp ứng với yêu cầu đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Hào, trong những năm qua doanh nghiệp đã nhận được một số chính sách về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là việc đảm bảo duy trì được chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng cũng như giá thành sản phẩm.
Ông Hào khẳng định, các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đều có thể cung cấp được sản phẩm cho doanh nghiệp nước FDI, ngoài việc phải cố gắng rất nhiều về nội lực cũng rất cần thiết có sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách, cơ chế đặc biệt là trong quá trình đầu tư hạ tầng sản xuất và vốn - đây là hai vấn đề then chốt.
Còn theo ông Nguyễn Minh Ngọc, mặc dù đã được chính phủ quan tâm và hỗ trợ, nhưng nhiều khi cơ chế, chính sách chưa được sâu sát và kịp thời cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ ở các cụm công nghiệp nhỏ thì việc tiếp cận được với các chính sách lại là một vấn đề lớn. Hiện vẫn có những chính sách ưu đãi khác nhau cho các cụm công nghiệp khác nhau, khi đó doanh nghiệp muốn phát triển rộng hơn, việc đầu tư đất đai, nhà xưởng hầu như phải mua lại hoặc chỉ có thể mở rộng ở những khu vực khác.
“Chính phủ có hỗ trợ đến mấy nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ năng lực cũng không thể thực hiện được. Do đó, doanh nghiệp vẫn mong muốn chính phủ có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác sâu hơn với doanh nghiệp Việt Nam để được hỗ trợ về công nghệ, về đào tạo nhân lực mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ”, ông Ngọc nói.
Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cần tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam.
Song song với những chính sách của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Samsung nhằm tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, đồng thời bồi dưỡng các doanh nghiệp này để đủ khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung./.