Sản phẩm OCOP ở Bình Thuận còn vướng mắc đầu ra
VOV.VN - Còn nhiều chủ thể OCOP bị động, ít tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại chưa thích ứng kịp với xu hướng mới nên đầu ra sản phẩm còn khó khăn.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được các địa phương trên địa bàn Bình Thuận triển khai thực hiện khá tốt, nhiều sản phẩm được công nhận đạt từ 3, 4 sao trở lên. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP vẫn rất khó bước chân vào hệ thống bán lẻ.
Đa dạng sản phẩm OCOP
HTX Thanh long Hàm Đức chuyên sản xuất rượu thanh long và cung cấp trái thanh long tươi cho các siêu thị, như Vincom, BigC, Coopmart... Sản phẩm rượu của HTX Thanh Long Hàm Đức được thị trường chấp nhận và cũng là sản phẩm OCOP được gắn 4 sao đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.
Bà Lê Nguyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức cho biết, sản phẩm đã có đầu mối tiêu thụ tại các siêu thị từ năm 2017. Để siêu thị chấp nhận mua, phía HTX phải đáp ứng đầy đủ các giấy tờ, tiêu chuẩn.
“Ngoài kiểm tra các giấy tờ, siêu thị còn yêu cầu HTX tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh các tem, nhãn mác và các giấy tờ, HTX còn đáp ứng về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Khi sản phẩm có chỗ đứng ở siêu thị sẽ tạo lập được vị trí để HTX quảng bá, giới thiệu từ đó khách hàng yên tâm”, bà Nguyện cho biết.
Ở Công ty TNHH Thương mại Chế biến Hải sản Đầm Sen ở phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, đến nay 70 sản phẩm hải sản ăn liền của công ty không chỉ có mặt ở hệ thống bán lẻ trong nước, mà còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Hong Kong (Trung Quốc)... với doanh thu mỗi năm hơn 50 tỷ đồng.
Điều đáng nói, sản phẩm của HTX Thanh long Hàm Đức và sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Chế biến Hải sản Đầm Sen đều tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có ở địa phương. Việc tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ môi trường,... nên được thị trường chấp nhận.
“Nói chung, các sản phảm của công ty được OCOP gắn 4 sao rất thuận lợi như: Cá đù cháy tỏi, cá bóng cắt nướng ăn liển, mực rim me, cá mai xốt chanh, cá mai sáy Thái... các nhà cung cấp tin tưởng nhiều hơn nữa nên bán rất ổn định”, Bà Nguyễn Thị Nuôi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Chế biến Hải sản Đầm Sen chia sẻ:
Còn nhiều sản phẩm chưa tham gia chuỗi cung ứng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bình Thuận có 70 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh các chủ thể năng động, tích cực quảng bá thương hiệu, vẫn còn rất nhiều chủ thể bị động, ít tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại dù đã được các Sở, ngành, địa phương vận động, thông tin thường xuyên. Nhất là các HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất nhỏ. Nhiều chủ thể tự hài lòng với thị trường quen thuộc, chưa thích ứng kịp với xu hướng mới như tham gia sàn thương mại điện tử, hoặc còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đến nay, đa số sản phẩm OCOP chưa tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà bán lẻ như Coopmart, Big C, Lotte, Bách hóa xanh... Ông Ngô Minh Trang, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, từng hệ thống, như Coopmart, Big C, Lotte... đều có tiêu chuẩn riêng, ngoài những quy định về tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, như cơ sở hạ tầng, quy mô sản xuất. “Một số điều kiện theo tiêu chuẩn của các siêu thị, một số chủ thể sản phẩm OCOP được gắn sao không đáp ứng được”, ông Trang cho biết nguyên nhân.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của Bình Thuận, trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm của các cấp ngành, sự nỗ lực của các chủ thể OCOP, cũng cần các hệ thống phân phối sản phẩm tạo điều kiện, để sản phẩm OCOP được chuẩn hóa từ đó tạo bước đi thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân trên địa bàn.