Sản xuất chè hữu cơ, thu nhập tăng 130%

Hướng đi mới này vừa giúp bảo tồn giống chè Shan quý trên vùng núi cao,  vừa giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào nghèo vùng cao.

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Quỹ Thách thức Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường đồng tổ chức hội thảo tổng kết kết quả dự án “Sự tham gia của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số và chuỗi giá trị chè Shan tỉnh Hà Giang”. Quỹ Thách thức Việt Nam là một hợp phần của dự án “Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo, giai đoạn 2 (M4P2)”.

Sản xuất chè hữu cơ giúp tăng giá trị cho sản phẩm chè shan vùng núi cao Hà Giang

Dự án sáng tạo này đã thành lập và củng cố các nhóm sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nguyên liệu chè búp tươi và đồng thời xây dựng vườn ươm thương mại cho hom giống chè để trồng thêm nhằm tăng năng suất cây chè. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè hữu cơ hướng tới các thị trường xuất khẩu cao cấp cũng được tiến hành, đồng thời với việc xây mới và nâng cấp các nhà máy chế biến chè xanh và chè đen của công ty Hùng Cường.

Dự án được thực hiện bởi Công ty Thương mại Hùng Cường, cùng với đối tác là Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF). Tổng ngân sách dự án khoảng 575.000 USD, trong đó VCF đóng góp khoảng 215.000 USD.

Dự án này đã tác động tích cực đến những hộ nông dân phần lớn là người dân tộc thiểu số nghèo, sống tại những vùng hẻo lánh của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là phụ nữ. Tác động còn có thể lớn hơn nữa nếu mô hình sản xuất này được nhân rộng ra những công ty chè khác ở khu vực miền núi và trung du Bắc bộ cũng như các nông sản khác, như gừng và nghệ.

Đặc biệt, dự án đã góp phần bảo vệ giống chè Shan tại vùng núi cao của Việt Nam, trong số đó có những cây chè trên 100 tuổi. Diện tích trồng chè trong dự án rộng hơn 740 ha và có thể là một trong những dự án chè được chứng nhận hữu cơ lớn nhất Đông Nam Á, cả về số lượng nông hộ và diện tích canh tác.

Ông Buddhika Samarasinghe, Trưởng nhóm tư vấn, dự án M4P2, nhấn mạnh: “Kết quả trực tiếp từ dự án là rất đáng kể. Gần 760 hộ nghèo từ 11 bản đã được đào tạo về trồng chè hữu cơ. Một vườn ươm công suất 400.000 cây giống được thành lập và hơn 60.000 cây giống đã được giao cho các nông hộ tham gia.

Tính riêng trong năm 2011, khoảng 740 tấn chè búp tươi được công ty thu mua của các nông hộ tham gia dự án với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Nhờ đó thu nhập từ chè của nông hộ đã tăng trung bình 130%.

Ngoài những tác động trực tiếp kể trên, theo ông Đào Việt Dũng, Chuyên gia cao cấp Quản lý khu vực công, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dự án đã chứng tỏ rằng mô hình kinh doanh này có tính khả thi về mặt thương mại, và hoàn toàn có tiềm năng để nhân rộng ở những vùng núi cao, có thể trồng chè khác của Việt Nam, và cũng như những sản phẩm nông nghiệp khác, như gừng”.

Dự án cũng cho thấy đồng bào dân tộc ít người sống tại các vùng hẻo lánh có thể trồng các loại nông sản mà nếu được chế biến phù hợp thì có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài đòi hỏi chất lượng cao, nhờ đó mà nâng cao đáng kể thu nhập của họ so với trước kia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên