Sản xuất vỏ xe mang thương hiệu cao su Việt Nam
VOV.VN - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang nghiên cứu sản xuất vỏ xe mang thương hiệu cao su Việt Nam.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong SXKD, nhất là giá bán cao su giảm sâu, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động, song Tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ năm 2015. Nổi bật là tổng sản lượng khai thác đạt trên 264.088 tấn mủ, đạt 105,97% kế hoạch năm 2015, vượt 15.719 tấn; hoàn thành trước kế hoạch 15 ngày.
Bên cạnh đó, toàn VRG đã thu mua trên 64.000 tấn mủ, góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm cho người dân trồng cao su, nhất là trong tình hình thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Sản lượng chế biến năm 2015 đạt 337.043 tấn, đạt 101,3% so với kế hoạch, tăng 4.396 tấn. Trong năm 2015 toàn VRG tái canh 13.290 ha, trồng mới 5.597 ha cao su. Tính chung cả khối công nghiệp, dịch vụ, tổng doanh thu năm 2015 của VRG đạt 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tiền lương bình quân của người lao động đạt hơn 4,7 triệu đồng/người/tháng.
VRG đang nghiên cứu sản xuất vỏ xe mang thương hiệu cao su Việt Nam |
Cùng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trong năm 2015, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt. Lũy kế đến hết năm 2015, VRG đã thoái vốn tại Công ty mẹ Tập đoàn và 18 đơn vị thành viên với giá trị thu hồi 3.116 tỷ đồng/2.808 tỷ đồng giá vốn. Trong công tác cổ phần hóa, năm 2016 VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ- Tập đoàn và các công ty cao su Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh.
Cũng theo ông Thuận, dự báo trong năm 2016 ngành cao su tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, mức tiêu thụ chững lãi trong khi nguồn cung vẫn dồi dào, giá dầu thô vẫn trên đà giảm mạnh. Trước tình hình đó, VRG tiếp tục ra soát giảm suất đầu tư theo vùng miền; tiết giảm giá thành: quyết liệt thoái vốn, cổ phần hóa; tích cực tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường…Trong đó, mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả đất đai; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây; chất lượng và cơ cấu sản phẩm… được chú trọng đặc biệt.
Về chiến lược phát triển, VGR chủ động tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp ca su như chỉ thun, nệm mút, găng tay và đang nghiên cứu sản xuất vỏ xe mang thương hiệu cao su Việt Nam. Đồng thời, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đầu tư hạ tầng tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sản phẩm công nghiệp cao su được hưởng dịch vụ tối ưu để đón đầu làn sóng đầu tư khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Năm 2016, VRG đặt kế hoạch sản lượng khai thác 249.530 tấn mủ cao su, sản lượng thu mua trên 60.000 tấn và tiêu thụ 317.800 tấn. Từ đó phấn đấu đạt doanh thu 17.800 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 2.570 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 1.300 tỷ đồng và tiền lương bình quân của người lao động 4,5 triệu đồng/người/tháng./.