Sắp thanh tra 4 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước
Từ năm 2011, qua thanh tra tại 4 tập đoàn kinh tế, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng, đã thu hồi 2.137 tỷ đồng.
Báo cáo các nội dung trả lời chất vấn do Thanh tra Chính phủ vừa gửi tới Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết: Từ nay đến cuối năm 2012, Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai thanh tra tại 4 đơn vị: Tập đoàn Cao su VN, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị, Tổng Công ty Dệt may VN, Tổng Công ty Xăng dầu VN.
Trước đó, cũng theo báo cáo, theo kế hoạch 2011 - 2012, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án tại 07 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gồm: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Sông đà, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (đã có kết luận), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (đang thanh tra).
Báo cáo cho biết, qua thanh tra tại 4 tập đoàn kinh tế (Dầu khí, Sông Đà, Hoá chất, Viettel) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng (đã thu hồi 2.137 tỷ đồng); kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 29.844 tỷ đồng (đã xử lý 17.079 tỷ đồng); chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 03 vụ việc.
Các vi phạm tại các tập đoàn, tổng công ty chủ yếu là về thẩm quyền, cụ thể: sử dụng tiền cổ phần hóa phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn, mua tài sản có giá trị lớn khi chưa được Thủ tướng chấp thuận; chỉ định thầu không đúng với quy định.
Bên cạnh đó là những vi phạm trong thực hiện quy trình, thủ tục: thực hiện dự án đầu tư, mua sắm tài sản không đúng trình tự, thủ tục.
Các tập đoàn, tổng công ty còn phân bổ nguồn vốn chưa đúng đối tượng, cho doanh nghiệp khác vay và gửi ngân hàng không đúng quy định số tiền phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sai với thực tế.
Trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu dẫn đến việc chấp hành pháp luật không nghiêm và sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, một số trường hợp vi phạm pháp luật phải chuyển cơ quan điều tra xử lý; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả; một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.
Báo cáo cũng cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty là đối tượng thanh tra cùng với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Nhìn chung các tập đoàn, tổng công ty và các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan đã quan tâm thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, có một số nội dung thực hiện còn chậm và quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.
Dự kiến, sáng 22/8, Tổng thanh tra Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 của UBTVQH./.