Sau 2015, cả nước còn 692 DN 100% vốn nhà nước

Giai đoạn tới sẽ tập trung phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 DN 100% vốn nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2001. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

4.757 doanh nghiệp đã được sắp xếp lại

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN do ông Phạm Viết Muôn – Phó Trưởng ban cho biết: 10 năm qua, cả nước sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.388 DN (nếu tính cả thời gian trước đó là 5.374 DN), trong đó CPH 3.976 DN. Trong số này có 14 tổng công ty được sắp xếp theo các hình thức giải thể cơ quan văn phòng, sáp nhập, hợp nhất, chia tách.

Đã tổ chức lại 8 Tổng công ty 91 và 12 Tổng công ty 90 để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Đã thành lập mới 128 DN 100% vốn nhà nước, chủ yếu là chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị hạch toán phụ thuộc DN và trên cơ sở Ban quản lý các dự án đã đầu tư. Trong đó 72 DN thuộc Bộ, địa phương chủ yếu là hoạt động công ích và 56 DN là công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Sau sắp xếp, hiện nay có 32 tỉnh chỉ còn DNNN hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước và công ty nông, lâm nghiệp.

Đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 DN, trong đó 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, tham gia hoạt động công ích, 857 DN kinh doanh; tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia; qui mô DNNN được nâng lên, chủ yếu là vừa và lớn; có cơ cấu hợp lý hơn.

Đến cuối năm 2010, tổng vốn của các DNNN trên 700.000 tỷ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 653.000 tỷ đồng. Đa số DNNN có qui mô vừa và lớn nhưng vẫn còn 102 DN có vốn dưới 5 tỷ đồng, 8 DN có vốn dưới 1 tỷ đồng. Đây là những DN chủ yếu làm công ích, nông, lâm trường ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

Hiện nay, cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn. Các tổng công ty nhà nước được tổ chức lại theo mô hình công ty mẹ - con là bước đổi mới mối quan hệ giữa công ty mẹ - tổng công ty với các DN trong tổng công ty.

Theo ông Phạm Viết Muôn: “Về cơ bản, vốn nhà nước đầu tư vào DNNN được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của đa số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giới hạn cho phép. Phần lớn DNNN hoạt động có lãi, số DN thua lỗ giảm nhiều, có DN trước đây thua lỗ nhưng gần đây đã có lãi. Năm 2001, số DN thua lỗ và hòa vốn chiếm khoảng 60% tổng số DN thì năm 2010 con số này còn 20%. Một số tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lớn chủ yếu do cơ chế giá và làm chính sách”.

Nhiều DNNN thua lỗ

Báo cáo của Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn thừa nhận: Một số tập đoàn, tổng công ty trong các năm 2007, 2008 đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN.

Sự tham gia của các thành phần kinh tế vào tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn hạn chế, qui mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế còn nhỏ. Cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm. Một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao hơn mức qui định. Có tập đoàn, tổng công ty nhà nước Chủ tịch H ĐQT và Tổng Giám đốc thiếu thống nhất trong quản lý, điều hành DN. Một số cơ chế thí điểm triển khai chưa đạt mục tiêu như: thống nhất quản lý đất để phát triển cây cao su ở Tập đoàn công nghiệp cao su; chủ thể quản lý tài nguyên, khoáng sản (chủ mỏ) để tổ chức cho các DN thành viên khai thác ở Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản… Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; trình độ công nghệ của đa số DNNN vẫn ở mức thấp. Chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích. Hiệu quả kinh tế - xã hội của DNNN chưa được đánh giá đầy đủ. Còn khá nhiều DNNN thua lỗ. Sự lãng phí, thất thoát nguồn lực còn lớn, nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, nhập khẩu thiết bị, vật tư. Một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến uy tín của DNNN.

Hiệu quả hoạt động và khả năng đầu tư, tăng trưởng về vốn của SCIC còn thấp. Cơ chế đầu tư của Nhà nước thông qua SCIC còn chưa hoàn chỉnh.

Sẽ phân loại và đẩy mạnh cơ cấu lại

Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ tập trung phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 DN 100% vốn nhà nước hiện có theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Đến hết tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 49 phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015 (9 bộ, 29 tỉnh, thành phố, 11 tập đoàn, tổng công ty 91); đang làm thủ tục phê duyệt 39 phương án, còn 13 đơn vị chưa trình phương án.

Theo đó, các DN tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước, bao gồm 692 DN (284 DN công ích, an ninh, quốc phòng, 408 DN kinh doanh). Phân theo chủ sở hữu thì còn 395 DN thuộc địa phương, 171 DN thuộc bộ, 15 tập đoàn, tổng công ty 91 với 11 DN thành viên. Trong quá trình thực hiện, tiếp tục rà soát để giảm thêm số lượng DN nhà nước giữ 100% vốn.

Nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2015-2020 cổ phần hóa 27 tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 65% hoặc trên 75% vốn điều lệ tại 11 đơn vị (Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn than khoáng sản, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn công nghiệp cao su, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn công nghiệp hóa chất, Vinashin, Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam, Tập đoàn đầu tư phát triển nhà và đô thị; Tổng công ty cà phê VN, Tổng công ty Hàng hải VN); không giữ cổ phần chi phối ở 16 tổng công ty.

Thực hiện phương án này, theo ông Phạm Viết Muôn, sau năm 2015, cả nước còn 692 DN 100% vốn nhà nước, được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty với 150 công ty con 100% vốn (10 tập đoàn, 5 tổng công ty 91, 26 tổng công ty thuộc bộ, 3 tổng công ty thuộc địa phương), 387 DN độc lập thuộc địa phương, 111 DN độc lập thuộc bộ. Khi đó có 48 tỉnh, thành phố chỉ còn DN hoạt động công ích.

Đến năm 2020 còn 17 tập đoàn, tổng công ty do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích.

Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo hội nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên