Shell và ExxonMobil trước sức ép của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
VOV.VN - Tập đoàn Shell phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon của mình, trong khi các cổ đông Tập đoàn năng lượng ExxonMobil đã bỏ phiếu để thay thế ít nhất 2 thành viên trong HĐQT.
Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng (Media Climate Net) mới cung cấp thông tin từ một số tổ chức môi trường quốc tế, liên quan đến phán quyết của toà án ngày 26/5, buộc Tập đoàn Shell phải cắt giảm phát thải và sự thay đổi nhân sự trong hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn ExxonMobil.
Shell phải cắt giảm phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon
Ngày 26/5, một tòa án ở Hague (Hà Lan) đã ra lệnh cho Tập đoàn Royal Dutch Shell cắt giảm lượng khí thải carbon trong một vụ kiện khí hậu lịch sử.
Shell giờ đây phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon của mình - bao gồm cả khí thải của các nhà cung cấp và khách hàng - đến năm 2030, so với mức năm 2019. Đây là phán quyết pháp lý đầu tiên, lệnh cho một tập đoàn xuyên quốc gia gây ô nhiễm phải giảm lượng khí thải phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Phán quyết sẽ tác động đến chính sách khí hậu và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trên toàn cầu, và đóng vai trò như một lời cảnh báo cho những công ty/nguồn gây ô nhiễm lớn rằng họ phải chịu trách nhiệm giảm lượng khí thải của mình.
Khi đưa ra phán quyết, thẩm phán nói: "Shell phải làm phận sự của mình để đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang nguy cấp" và các kế hoạch của công ty "không đủ cụ thể và đầy rẫy những cảnh báo".
Thẩm phán cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, dù Shell có giảm lượng khí thải, nhưng các công ty khác vẫn có thể phát thải sẽ bù vào lượng chênh lệch đó. Do đó, Thẩm phán tuyên bố tất cả các doanh nghiệp đều cần phải hành động để thực hiện Thỏa thuận Paris.
Khởi kiện chống lại Shell gồm có tổ chức Friends of the Earth Hà Lan (Milieudefensie), 17.000 đồng nguyên đơn và 6 tổ chức khác (Action Aid, Both ENDS, Fossilfree Nederland, Greenpeace Hà Lan, Young Friends of the Earth và Hiệp hội Biển Wadden).
“Đây là một tin tuyệt vời và là một chiến thắng lớn lao cho trái đất và cho con em chúng ta,” Donald Pols, Giám đốc Milieudefensie phát biểu. “Thẩm phán đã tuyên bố rõ ràng: Shell đang gây ra biến đổi khí hậu nguy hiểm và bây giờ họ phải chấm dứt hành vi đó.”
Royal Dutch Shell là một trong 10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Hà Lan. Mặc dù quyết định chỉ áp dụng ở Hà Lan, nhưng nó có thể có ảnh hưởng rộng rãi hơn ở những nơi khác. Shell đã thông báo rằng họ sẽ kháng cáo quyết định của Tòa án.
Phán quyết được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi công bố báo cáo đột phá về phát thải ròng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng khác đến các nhà đầu tư và các công ty rằng thời đại của nhiên liệu hóa thạch đã qua.
Báo cáo của IEA kêu gọi chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí mới và bắt đầu ngay lập tức giai đoạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới. Cụ thể, báo cáo của IEA kêu gọi không bán thêm nồi hơi đốt gas từ năm 2025 và chấm dứt bán ô tô động cơ đốt trong trên toàn thế giới vào năm 2035.
“Phán quyết này sẽ thay đổi thế giới. Mọi người trên khắp thế giới rồi sẽ sẵn sàng nối gót chúng tôi và đưa các công ty dầu khí ra tòa,” Roger Cox, Luật sư cho Milieudefensie phát biểu. “Và không chỉ có vậy. Các công ty dầu mỏ sẽ trở nên chùn tay hơn nữa khi muốn đầu tư vào các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Ngày hôm nay, khí hậu đã chiến thắng.”
Exxonmobil thay thế ít nhất 2 thành viên trong HĐQT
Cũng trong ngày 26/5, các cổ đông tại Tập đoàn năng lượng ExxonMobil đã bỏ phiếu để thay thế ít nhất 2 thành viên trong HĐQT, liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu và kết quả hoạt động yếu kém gần đây.
Biểu quyết này mang tính cách mạng trong nội bộ ExxonMobil, tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia và là nhà tài trợ chính cho chiến dịch phủ nhận biến đổi khí hậu. Ít nhất 2 giám đốc mới, Gregory Goff và Kaisa Hietala - đều là những người có chuyên môn về chuyển đổi năng lượng và hiểu biết về khí hậu được bầu vào HĐQT.
Nhà đầu tư Engine No.1 đã kêu gọi “gã khổng lồ” dầu mỏ thay thế 4 thành viên HĐQT của mình bằng những thành viên có kinh nghiệm hơn về năng lượng tái tạo, hoặc thích nghi với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Cũng trong ngày 26/5, hơn 60% cổ đông của Chevron đã bỏ phiếu buộc công ty phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải, do việc tiêu thụ dầu mỏ mà công ty bán ra./.