Siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu
VOV.VN - Ngày 24/8, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”.
Hội nghị nhằm tập trung đánh giá toàn diện thực trạng của các vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ đó đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh.
Mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình như thanh long, xoài, sầu riêng, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột Sắn... 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước tính gần 3 tỷ USD, tăng 70,3% so với cùng kỳ.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 178 mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu với diện tích gần 900 ha. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong hoạt động xuất khẩu như các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói...
“Hội nghị hôm nay hết sức quan trọng nhằm chuyển tải thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tới các tổ chức cá nhân, các cơ quan quản lý nhà nước để làm sao chúng ta quản lý tốt, từ đó để hàng hóa xuất sang các nước đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Lạng Sơn rất quan tâm đến việc xây dựng, phát triển mã số vùng trồng nông sản chủ lực như thạch đen, ớt, na và địa phương đang tiếp tục tập trung quản lý tốt những mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cơ quan chức năng 2 bên cấp” - ông Lý Việt Hưng nói.
Hiện cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hàng hóa; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về mã số của các thị trường; Bộ tiến hành đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói để kết nối với địa phương, các vùng trồng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu. Duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường…
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước những thông báo vi phạm, nếu các ngành, các cấp không có biện pháp khắc phục hay tìm hiểu nguyên nhân và có các báo cáo kỹ thuật giải trình, thì các nước bạn hoàn toàn sẽ có thể có động thái tạm dừng và sẽ dẫn tới việc cấm nhập khẩu nông sản nước ta.
“Tại các cơ sở đóng gói 1 trong những yêu cầu bắt buộc phải có các cán bộ kỹ thuật theo dõi từ công tác kiểm tra hàng hóa đầu vào, giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng như đóng gói nhãn mác, bao bì tuân thủ theo Nghị định thư thì rất nhiều nơi không làm được việc này. Có cơ sở có cơ sở đóng gói nhưng lại đóng gói tại vườn… Đây là những tồn tại, vi phạm mà chúng ta, cả hệ thống từ bộ, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội và người trồng phải chung tay với nhau và có sự gắn kết để khắc phục những hạn chế này thì chúng ta mới có thể bảo đảm bền vững việc xuất khẩu hàng hóa” - ông Hoàng Trung nói.