“Số phận” của giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới đang chủ yếu chịu ảnh hưởng từ chương trình mua trái phiếu của Fed cũng như triển vọng của kinh tế Mỹ
Ngoài ra tác động của sự suy giảm nguồn cung do các công ty khai thác vàng thu hẹp hoạt động cũng ảnh hưởng tới giá vàng.
Sau khi chạm đáy 1.180,71 USD/oz vào ngày 28/6/2013, giá vàng thế giới phục hồi liên tục lên gần 1.350 USD/oz vào ngày 24/7 và đang dao động quanh ngưỡng 1.345 USD/oz.
Giá vàng tăng gây tác động tâm lý rất lớn, mặc dù đợt tăng giá này có thể sẽ sớm kết thúc do các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục bán vàng để chuyển sang cổ phiếu.
Có nhiều nguyên nhân khiến vàng tăng giá, nhưng chủ yếu do tình hình kinh tế xấu đi tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước trên thế giới, trong khi Mỹ và Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ tăng mua vàng trang sức và tiền vàng khi giá vàng lao dốc hồi tháng 4/2013, nhưng họ không hào hứng mua vào khi giá vàng tiếp tục lập đáy mới vào tháng 6 vừa qua, do vàng đang trong chu kỳ giảm giá. Trong khi Ấn Độ tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng, thiếu hụt tiền mặt tại một số ngân hàng, đà tăng trưởng kinh tế chậm dần và chao đảo thị trường tài chính Trung Quốc đã ngăn cản nhu cầu tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu và các nền kinh tế đang nổi tiếp tục sa lầy trong suy thoái, đây là yếu tố cản trở nhu cầu về vàng vật chất. Theo số liệu thống kê do Cơ quan thống kê thuộc EU công bố ngày 22/7/2013, nợ công của 17 nước euro hiện đã lên tới 92,2% GDP, trong khi tỉ lệ này cách đây 1 năm là 88,2%.
Tại Nhật bản, với kết quả bầu cử vừa qua nghiêng về liên minh của Thủ tướng Shinzo Abe, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ để phục hồi tăng trưởng kinh tế và chấm dứt tình trạng giảm phát, yếu tố này phần nào đang hỗ trợ nhu cầu về vàng tại quốc gia này.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội hôm 17/7/2013, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Bernanke khẳng định, Fed chưa xác định thời gian cụ thể để rút dần gói kích thích tăng trưởng và sẽ chỉ xem xét việc giảm dần quy mô của gói kích thích này nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục được cải thiện vững chắc.
Ông Bernanke cũng trấn an các nhà đầu tư là Fed sẽ tiếp tục duy trì gói nới lỏng định lượng QE3 chừng nào kinh tế Mỹ chưa phục hồi vững chắc, tỉ lệ thất nghiệp chưa giảm xuống trạng thái bình thường dưới 7%. Fed cũng đang vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả để duy trì đà phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm đang ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Mỹ, trong khi lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu dài hạn cũng là lý do để tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Mặt khác, việc tiếp tục chương trình mua trái phiếu cho thấy, Chủ tịch Bernanke cũng muốn giảm sự than phiền của các định chế tài chính phố Wall sau khi Fed ban hành qui định mới về vốn theo tiêu chuẩn Basel 3.
Trước mắt, Fed tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp để trấn an thị trường và các nhà đầu tư, động thái này cũng là bước chuyển tiếp để Fed có thể rút dần các gói cứu trợ. Chủ tịch Bernanke cũng cho biết, Fed đang xây dựng kịch bản giảm dần chương trình mua trái phiếu. Theo đó, kế hoạch này có thể áp dụng từ cuối năm nay và chấm dứt vào giữa năm 2014. Việc cắt giảm này sẽ tác động làm tăng giá USD trên thị trường hàng hóa, kể cả trong tương quan với giá vàng thế giới.
Thông điệp của Fed đã truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư, góp phần ổn định các thị trường tài chính. Theo thống kê đưa ra cuối tuần kết thúc vào ngày 19/7/2013, chỉ số chứng khoán trên các sàn giao dịch chứng khoán phố Wall đều tăng trên dưới 20% so cùng kỳ năm trước, khoảng 2/3 số doanh nghiệp báo cáo lãi cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia phân tích, một số ngân hàng lớn thu được lợi nhuận gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh tác động của gói kích thích định lượng QE3, thị trường chứng khoán tăng điểm cũng góp phần thúc đẩy hoạt động tín dụng, làm tăng lượng USD trong lưu thông, nghĩa là vàng tăng giá so với USD.
Theo dữ liệu của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư đã bán 650 tấn vàng từ các quĩ tín thác đầu tư vàng, tương đương 59,8 tỉ USD. Tính đến ngày 17/7/2013, lượng vàng tại các quĩ tín thác đầu tư vàng cũng giảm xuống còn 1.981,9 tấn. Báo cáo ngày 18/7 của UBS AG cho biết, giá vàng tăng vẫn thúc đẩy lực bán, do kinh tế Mỹ phục hồi rõ nét và giá các cổ phiếu tăng vững. Một số thương gia tin rằng, giá vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong vài tháng tới khi các nhà đầu tư tiếp tục bán ra để chuyển sang cổ phiếu. Tập đoàn Goldman Sachs dự báo, giá vàng sẽ về 1.050 USD/oz vào cuối năm 2014. Tập đoàn Tín dụng Thụy Sĩ dự báo, giá vàng trung bình là 1.150 USD/oz trong quí 3/2014.
Về quan hệ cung cầu trên thị trường vàng, kỳ vọng giá vàng sẽ lên tới 2.000 USD/oz vào năm 2011 đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhưng giá vàng thực tế chỉ đạt đỉnh 1.923,70 USD/oz vào ngày 16/9/2011. Tuy nhiên, khi vàng lao dốc về mức giá 1.200-1.300 USD/oz trong những ngày qua, nhiều công ty khai thác vàng rất khó bù đắp được chi phí đầu vào, buộc phải đánh giá lại các mỏ vàng và thu hẹp qui mô khai thác. Từ đầu năm đến ngày 18/7/2013, chỉ số FTSE (giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng thế giới) giảm 46%.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích và đầu tư, xu hướng giảm lượng vàng khai thác sẽ tiếp tục cho đến hết năm nay, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục xoay sở để tồn tại mặc dù giá vàng chưa phục hồi, số khác vẫn có khả năng thích ứng với mức giá vàng thấp bằng cách loại bỏ những dự án không hiệu quả, giảm chi phí và tập trung vào những mỏ vàng chất lượng cao và dễ khai thác.
Như vậy, giá vàng thế giới hiện nay đang chịu tác động của sự suy giảm nguồn cung do các công ty khai thác vàng thu hẹp hoạt động, nhưng chủ yếu là chịu ảnh hưởng từ chương trình mua trái phiếu của Fed cũng như triển vọng của kinh tế Mỹ.