Sóc Trăng mở rộng sản xuất lúa đặc sản
VOV.VN -Đề án Phát triển lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2012 - 2015 được triển khai tại 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.
Nhằm nâng cao được chất lượng, giá trị lúa gạo trong sản xuất, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn 2012-2015. Đến nay, đề án này đã phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển ổn định, bền vững các vùng sản xuất lúa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập và lợi nhuận cho nông dân, đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Đề án Phát triển lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2012 - 2015 được triển khai tại 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm. Đây là vùng sản xuất thích hợp cho phát triển lúa thơm đạt chất lượng cao và cũng là các địa phương có phong trào sản xuất lúa thơm ST và lúa Tài nguyên mùa khá thành công.
Theo ngành chức năng diện tích các loại lúa thơm, lúa đặc sản tại địa phương không ngừng tăng lên, từ hơn 66 nghìn ha vào năm 2012 tăng gần 127 nghìn ha trong năm 2015. Riêng tại 4 huyện của vùng Đề án là hơn 100 nghìn ha diện tích lúa đặc sản được người dân sản xuất. Cùng với đó là số mô hình cánh đồng mẫu, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm mới bắt đầu triển khai đề án. Điều này chứng minh, đề án đã tác động và tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân trong canh tác lúa có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt gắn thị trường tiêu thụ.
Anh Phạm Văn Tòng, nông dân ở phường 1, thị xã Ngã Năm, cho hay: “Làm lúa thường không có người bao tiêu, giá cả bắp bênh nên mới chuyển sang làm lúa đặc sản có người bao tiêu, giá cả cũng ổn định hơn, an tâm sản xuất hơn”.
Thực tế, sự chủ động trong triển khai thực hiện nhiều mô hình cánh đồng mẫu tổ chức sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, có chất lượng để cung ứng cho thị trường, giúp nông dân tiêu thụ luá được thuận lợi và sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Theo người dân trực tiếp sản xuất thì giá trị thị trường của các loại lúa cao sản thời gian qua thường cao hơn lúa thường từ vài trăm đến 1.000 đồng mỗi kg lúa tươi.
Tuy nhiên quá trình triển khai mô hình cách đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa đặc sản theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua cho thấy trong hợp tác sản xuất lúa giữa các bên vẫn còn một số bất cập, trong đó, khó khăn nhất là vấn đề tiêu thụ lúa gạo. Đó là khi thị trường biến động lớn, do chạy theo lợi nhuận, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều thường xé rào, phá vỡ hợp đồng không thu mua hoặc là bán cho các đối tác có giá trị cao hơn; hoặc là nông dân sản xuất lúa đến khi thu hoạch thì không có đầu ra.
Khắc phục các yếu kém trên, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cho biết sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông dân – doanh nghiệp để đầu ra có nơi tiêu thụ ổn định, đặt hàng sản xuất lúa gạo theo yêu cầu thị trường để tiêu thụ hết lúa nguyên liệu, đảm bảo giá lúa có lãi, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến doanh nghiệp và nông dân đều có lợi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định vùng sản xuất cho từng giống lúa phù hợp và ổn định lâu dài, lựa chọn phát triển một số giống lúa chất lượng cao phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục tổ chức sản xuất lúa đặc sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng các vùng chuyên canh, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng.
Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Bây giờ, phải phân khúc ra, doanh nghiệp yêu cầu giống gì thì đáp ứng giống đó. Đồng thời, đảm bảo chất lượng giống, để khi họ thu mua sẽ rất an tâm. Từ từ từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu. Chúng tôi sẽ làm từ từ có chỉ dẫn địa lý, vùng này sẽ chuyên sản xuất giống này, vùng kia sản xuất giống kia. Ngay cả thương lái cũng biết vùng để học mua, thì như vậy khâu tiêu thụ lúa của người dân sẽ dễ dàng”.
Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển mở rộng vùng đề án thêm 3 huyện là Long Phú, Châu Thành và Mỹ Tú để nâng tổng số địa phương tham gia sản xuất lên 7 huyện; đồng thời phấn đấu đạt sản lượng lúa đặc sản 0,8 triệu tấn/năm từ nay đến năm 2020./.