“Soi” giá pate Minh Chay nhiễm độc
VOV.VN - Pate Minh Chay có giá đắt gấp 2-3 lần các sản phẩm cùng loại trên thị trường vì quảng cáo “sản xuất bằng công nghệ hiện đại, nguồn nguyên liệu an toàn”.
Pate Minh Chay là sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (có địa chỉ tại số nhà 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội). Sau khi pate Minh Chay bị phanh phui chứa độc tố Botulinum, ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người thì dư luận còn bất ngờ về giá cả đắt đỏ của sản phẩm này.
Cụ thể, sản phẩm pate Minh Chay đóng hộp thuỷ tinh loại 200 gram có giá niêm yết 149.000 đồng và loại 450 gram có giá 309.000 đồng.
Với mức giá này, pate Minh Chay đắt gấp 2-3 lần so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện nay.
Qua khảo sát cho thấy, giá của các sản phẩm pate chay được bán trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội dao động từ 60.000-80.000 đồng/hộp loại 200 gram và 90.000-150.000 đồng/hộp loại 450 gram.
Đối với các loại pate thông thường, giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/hộp 500 gr. Theo giá bán pate gan ngỗng của một cửa hàng pate nổi tiếng nhất nhì Hà Nội thì cũng chỉ 150.000 đồng/hộp 500gr.
Với mức giá cao, pate Minh Chay vẫn được nhiều người ưa chuộng nhờ chiêu bài quảng cáo sản xuất bằng công nghệ hiện đại, nguồn nguyên liệu an toàn. Sản phẩm được quảng cáo không phụ gia, chất bảo quản, giữ được 6 tháng trong tủ đông và đặc biệt được xử lý tiệt trùng theo công nghệ Nhật Bản, có thể vận chuyển khắp toàn quốc mà chất lượng không bị ảnh hưởng.
Có thể thấy, Minh Chay hoạt động khá rầm rộ trên mạng xã hội Facebook. Chỉ cần gõ từ khóa "minhchay", khách hàng có thể dễ dàng tìm được rất nhiều trang, page giới thiệu những sản phẩm của hãng như: MinhChay Vegan Restaurant - Nhà Hàng Thuần Chay, MinhChay Vegan 45 Xuân Diệu, MinhChay Vegan Restaurant... với hàng trăm nghìn lượt thích và theo dõi.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa bán thực phẩm chay và mở nhà hàng chay cũng là một cách khiến cho thương hiệu này gây được lòng tin với người tiêu dùng.
Theo giới thiệu trên website của doanh nghiệp (hiện đã dừng hoạt động), Minh Chay là một thương hiệu xuất phát từ gia đình có truyền thống 30 năm ăn chay trường với mong muốn truyền tải các giá trị chay đến với cộng đồng.
Ngoài sản xuất pate và các loại ruốc nấm hương, muối vừng bát bảo, giò lụa lúa mì,... doanh nghiệp còn kinh doanh nhà hàng chay tại số 30 Mã Mây.
Khác với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, Minh Chay được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm xếp loại B đối với Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.
Với xếp loại này, cơ sở sản xuất pate Minh Chay cơ bản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, vẫn còn một số sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm. Giấy chứng nhận cấp cho các loại hình hoạt động bao gồm: Chế biến thực phẩm chay (bò, cá, giò, chả, mọc, xúc xích, pate, bánh, ruốc); rang và đóng gói các loại hạt (hạnh nhân, điều, thông, bí xanh, hướng dương, macca, óc chó, vừng).
Tuy nhiên, chỉ sau 8 tháng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thương hiệu này pate Minh Chay gây rúng động với sự việc khiến nhiều người tiêu dùng ngộ độc vì chứa độc tố Botulinum.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội, trong vòng một tháng (1/7-28/8), khoảng 6.400 người mua sản phẩm pate Minh Chay. Phần lớn được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam qua kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội. Riêng tại Hà Nội, gần 2.100 khách đã mua các sản phẩm và cũng một nửa là pate.
Ngày 29/8, Cục An toàn Thực phẩm phát đi thông báo khẩn, khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Pate Minh Chay do phát hiện các trường hợp nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, độc tố là botulinum.
Công ty Lối sống mới thành lập tháng 1/2018 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Theo báo cáo của Chi cục thuế huyện Đông Anh, đến quý II, doanh nghiệp sở hữu pate Minh Chay mới khai báo doanh thu 29 triệu đồng. Từ 1/7, doanh nghiệp này mới bắt đầu sản xuất liên tục với 13 sản phẩm. Hiện cơ sở này đã bị niêm phong, dừng sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, ít nhất 10 bệnh nhân nhập viện tại TP.HCM và Hà Nội, cư ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Dương.../.