Sớm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo
VOV.VN - Việc xuất khẩu gạo qua biên giới diễn ra nhỏ giọt, khiến hiện tượng ùn tắc tại các điểm xuất khẩu thường xuyên diễn ra.
Đã gần 1 tháng nay, tình trạng ùn ứ nhiều xe chuyên chở gạo từ các tỉnh miền xuôi lên cửa khẩu Lào Cai vẫn tiếp tục diễn ra. Hàng xe nối đuôi nhau dài chờ trực chưa biết khi nào qua được cửa khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vấn đề giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này đang trở nên hết sức bức thiết.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, từ ngày 1/4, việc xuất gạo qua biên giới trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỉnh đã hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, nhưng việc xuất khẩu gạo qua biên giới lại phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ hàng phía Trung Quốc nên vào thời điểm hiện tại gạo chỉ có thể xuất đi nhỏ giọt, khiến hiện tượng ùn tắc tại các điểm xuất khẩu thường xuyên diễn ra. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay vẫn còn gần 30.000 tấn gạo đang nằm chờ trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa xuất đi được .
Vì đã quen xuất khẩu gạo cho các đầu mối cũ, nên các chủ hàng hiện không biết xuất đi đâu, cũng không biết tới thời điểm nào thì hoạt động xuất nhập gạo sẽ diễn ra bình thường. Trong khi đó các xe chở gạo dưới xuôi thì vẫn tiếp tục đổ lên. Do vậy, tại khu vực cửa khẩu thời điểm này vẫn thường xuyên ùn ứ hàng trăm xe xếp hàng chờ tới lượt. Có xe xếp hàng chờ ở đây cả tuần, trong khi đó, tiền lưu xe mỗi ngày rất cao, dao động từ 1 – 1,5 triệu đồng.
Điều đáng nói hơn, thời gian gần đây, trên địa bàn Lào Cai liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài khiến các chủ doanh nghiệp xuất khẩu gạo không khỏi lo lắng. Vì nếu thời tiết hanh khô thì gạo có thể bảo quản tốt trong vòng 5 – 6 tháng. Nhưng nếu gặp thời tiết mưa ẩm thì rất khó nói, gạo có thể mốc hỏng bất cứ lúc nào. Hơn nữa, nếu để lâu, chất lượng gạo suy giảm dẫn tới giá thành sẽ giảm theo.
Ông Trần Văn Thứ, chủ kho bãi tại khu vực Bản Quẩn, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, hiện các bến bãi tập kết, các kho tàng để lưu kho hàng hóa vào mùa mưa rất bức bách đối với các doanh nghiệp. Việc bảo quản hàng hóa rất khó khăn vì đây là hàng lương thực cần bảo quản. Trong khi đó phía Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu nên ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều.
Hiện nay, có tổng cộng 8 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo qua biên giới với Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai bằng hai đường là Cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát và Khu vực thí điểm xuất khẩu gạo tại thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, phía Trung Quốc đã thắt chặt quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo từ Việt Nam nên lượng xuất khẩu gạo đầu năm 2015 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần có một cơ chế rõ ràng hơn giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung, cũng như tỉnh Lào Cai và Vân Nam nói riêng.
Ông Hoàng Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, Sở đã có một số đề xuất, kiến nghị với Trung ương, nhất là Bộ Công Thương về việc khẩn trương làm việc với Bộ Thương mại Trung Quốc để sớm phê duyệt Hiệp định thương mại biên giới, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tổng thể khu hợp tác thương mại qua biên giới, làm cơ sở cho Lào Cai xây dựng Đề án hợp tác Lào Cai - Hồng Hà. Đồng thời đề nghị Trung ương cũng sớm tạo điều kiện cho Lào Cai được mở các cặp chợ biên giới, thêm các điểm thông quan, giúp doanh nghiệp có nhiều vị trí trao đổi, giao nhận hàng thuận lợi./.