Sơn La phấn đấu giá trị xuất khẩu nông sản trên 160 triệu USD
VOV.VN - Năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021.
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Sơn La đã giới thiệu 17 sản phẩm nông sản, xuất khẩu tới thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt hơn 150 triệu USD; trong đó, giá trị hàng hóa nông sản tươi đạt trên 24 triệu USD, nông sản chế biến 126 triệu USD.
Đến nay, Sơn La có trên 70.000 ha trồng cây ăn quả và cây sơn tra. Trong đó, chủ yếu là xoài, nhãn, mận, chanh leo, thanh long, cây ăn quả có múi…; hơn 83.000 ha trồng các nông sản khác như chè, cà phê, sắn, mía đường, rau các loại. Tỉnh được cấp 220 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.800 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand…
Bên cạnh đó, còn có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 18 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La, khoai sọ Thuận Châu; 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài gồm chè Shan tuyết và xoài tròn Yên Châu.
Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 11,3 triệu USD so với năm 2021. Dự kiến sẽ xuất khẩu trên 28.000 tấn trái cây chủ yếu là xoài, nhãn, chuối, chanh leo, mận hậu, thanh long. Xuất khẩu khoảng 120.000 tấn sản phẩm nông sản chế biến gồm: chè, cà phê, tinh bột sắn, cao su.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; chú trọng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Duy trì, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm có lợi thế, chủ lực của từng huyện, thành phố; cấp mã số vùng trồng; quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nước ngoài.
Đồng thời, tích cực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; từng bước nâng cao năng lực đơn vị thu gom và tổ chức xuất khẩu; đẩy mạnh thu hút đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu./.